HÃY NGHĨ ĐIỀU TÍCH CỰC ĐỂ SỐNG
(Cuối tháng 7/2021 – TP. Hồ Chí Minh)
Ở YÊN TRONG NHÀ LÀ CÁCH NGĂN CHẶN SARS – COV 2 LÂY LAN HIỆU QUẢ NHẤT
Tính đến hôm nay, tôi đã trải qua gần hai tháng sống giãn cách và cách ly trong căn phòng 40m2 của mình. Chung cư tôi ở có 4 tòa nhà, mỗi tòa nhà 24 tầng. Thời gian đầu, lần lượt các tòa nhà số 2 và số 3 xuất hiện bệnh nhân F0. Dĩ nhiên chính quyền áp dụng biện pháp phong tỏa các tòa nhà này. Tôi ở tòa nhà thứ 4, dù chưa bị cách ly toàn diện, nhưng việc đi lại cũng bị hạn chế. Ngoài ra để bảo vệ mình và cũng bảo vệ mọi người, tôi rất ít khi ra ngoài, chỉ trừ mỗi tuần 1, 2 lần phải xuống tầng trệt để tìm mua vài sản phẩm thiết yếu như rau, gạo và trứng. Thịt thì hầu như hiếm khi tôi mua được. Các cửa hàng nhỏ cũng đóng cửa gần hết, nên việc ăn uống trở nên đạm bạc. Nhưng thú thật, tôi chưa từng thấy khổ sở vì thiếu ăn, năm nay tôi đã lớn tuổi, việc ăn uống đơn giản đã trở thành một thói quen mà tôi không muốn thay đổi. Thường thì tôi đi xuống sân nhà với mục đích khác hơn là mua sắm. Tôi muốn nhìn ngắm không gian thoáng đảng, được hứng làn gió mát ở công viên nhỏ xíu trong chung cư, và tôi cũng lên nhà để xe để đề máy cho chiếc ô tô và chiếc xe máy của mình. Đã bước sang tháng thứ ba, nó chưa từng được lăn bánh xuống đường. Tôi sợ khi hết phong tỏa thì bình accu sẽ không còn điện. Lúc đó thì rắc rối to.
Khoảng hơn một tuần trước, tòa nhà tôi ở xuất hiện F0 trong 7 trên 24 tầng. Nói thiệt, dù ít ra ngoài và tiếp xúc gần với ai, nhưng cảm giác của tôi lúc ấy là một nỗi hoảng sợ thực sự. Dĩ nhiên là kể từ hôm đó, toàn bộ cư dân tòa nhà của tôi cùng chung số phận bị phong tỏa toàn diện. Trong lúc này, thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức áp dụng chỉ thị 16, rồi 16+. Nói chung, tình hình của chúng tôi bây giờ là không nên hoặc không được ra khỏi cửa nếu không muốn đối diện với nguy cơ lây nhiễm. Thang máy lên xuống cũng gần như bị niêm phong, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp.
Thật ra sau một thời gian dài hạn chế đi lại, tôi cũng dần quen với nếp sinh hoạt lặng lẽ ở một nơi bị xem là tâm dịch. Thời gian đầu dĩ nhiên là rất khó chịu, nhưng tôi tự ra lệnh cho bản thân, mình là người già, nằm trong nhóm có nguy cơ chuyển biến nặng nếu mắc bệnh. Mục tiêu ưu tiên là cố vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Một mình trong căn phòng, tôi vẫn cố gắng làm việc và để cho tâm trí mình bình thản. Phải nói thật rằng đó là một việc rất khó. Mỗi ngày xem báo, các thông tin không mấy khả quan khiến tôi lo lắng và buồn bã.
Tính cho đến sáng ngày 31/07/2021. Theo thống kê của bộ y tế, cả nước đã có 141.122 ca nhiễm, và có một con số mà tôi không bao giờ muốn xem, nhưng vẫn bắt buộc phải biết, đó là đã có 1.161 người không qua khỏi. Trong đó Saigon của tôi vẫn chiếm số lượng ca nhiễm lớn nhất: 88.285 ca và có đến 900 người chết. Và theo tôi hiểu, thì những con số vừa nêu vẫn chưa được cập nhật đầy đủ. Tại TP. Hồ Chí Minh số ca tử vong đã lên đến 4 con số.
Tôi có một suy nghĩ, những ngày bình thường trước dịch, các bệnh viện Saigon vẫn luôn trong tình trạng quá tải, các bệnh nhân từ mọi miền đất nước tập trung đổ về đây chữa bệnh. Thành phố lớn thật đó, các y bác sĩ giỏi nhất nước đều có mặt ở đây, trang thiết bị cũng đầy đủ hơn tất cả mọi miền. Nhưng thử nghĩ xem, trong một thời gian ngắn phải tập trung chữa trị cho vài chục ngàn bệnh nhân cùng một lúc, thì không có một hệ thống y tế nào đủ lớn để đáp ứng đủ, nhất là trong tình hình dịch lây lan nhanh chóng, số bệnh nhân gia tăng mỗi ngày.
Và cả hệ thống chính trị, quản lý nhà nước của chính phủ đã phải tập trung mọi quyết sách nguồn lực để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch. Trong một thời gian ngắn, có đến vài chục bệnh viện dã chiến với quy mô vài ngàn giường bệnh cho mỗi bệnh viện được cấp tốc xây dựng. Tôi được biết TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để không bỏ sót một bệnh nhân Covid 19 bị diễn biến nặng nào.
Có một thông tin như một tia sáng lạc quan khiến tôi cảm thấy vui hơn một chút, đó là cho đến bây giờ trong cả nước cũng đã có khoảng 40.000 người nhiễm Covid được điều trị khỏi.
Theo báo cáo của Sở y tế TP. Hồ Chí Minh, trong tổng số các bệnh nhân nhiễm Sars CoV 2, có đến hơn 80% có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, các bệnh nhân này đa số sẽ thuyên giảm và khỏi bệnh trong khoảng trên dưới 2 tuần lễ khi cơ thể đã có đủ sức đề kháng với Virus. Nhưng vẫn có gần 20% sẽ diễn biến nặng sau khi nhiễm khoảng vài ngày, trong đó có gần 5% diễn biến rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Số bệnh nhân này đa phần là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc nan y.
Chúng ta thử tính toán con số 20% tức là 1/5 của hơn 100.000, nghĩa là có hơn 20.000 người cần sự hỗ trợ của các trung tâm hồi sức tích cực, con số này cũng đang tăng lên mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nghĩa là cần phải có một nguồn nhân lực và tài chính khổng lồ để cứu sống các bệnh nhân Covid 19 đã, đang và sẽ diễn biến nặng. Nhìn hình ảnh các y bác sĩ, sinh viên tình nguyện căng mình ra chiến đấu với dịch bệnh trong vài tháng qua, sự mệt mỏi và kiệt sức cũng như tinh thần quên mình của họ có gì đo đếm được không? Chưa nói đó là những người đứng trước nguy cơ phơi nhiễm rất lớn, nếu sợ hãi không ai có thể làm công việc cứu người cho đến bây giờ.
Ngoài ra còn có đội ngũ phục vụ các khu phong tỏa, cách ly ngày đêm làm việc vì tấm lòng thiện nguyện với xã hội, với cộng đồng mà không vì một lợi ích riêng tư nào.
Có biết bao nhiêu người phải hy sinh nhiều thứ để tạo nên một thành trì chống dịch, để cho chúng ta được an toàn. Chúng ta chỉ có mỗi một việc phải làm , đó là ngồi yên ở nhà, tạm quên một chút tự do riêng, để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Tôi hiểu ai cũng biết điều này, nhưng đây đó vẫn còn rất nhiều người không hiểu hay cố tình không hiểu, hay vì cái tôi quá khích không biết điều hơn lẽ thiệt, vẫn gây khó khăn cho các lực lượng chấp pháp, gây rối ren phức tạp cho trật tự trị an.
Có những video clip phát tán trên mạng xã hội hình ảnh kêu gào, than vãn, đả kích về những thảm cảnh xảy ra đây đó do sự quá tải, chậm trễ của ngành y tế và chính quyền khi chưa thật sự đủ sức đáp ứng trong việc hỗ trợ người dân kịp thời do tình hình dịch bệnh lây lan quá nhanh , quá tải và bị động. Đó là điều có thật. Nhưng chúng ta phải biết nhận ra nguyên nhân và đừng tự biến mình thành nhân tố phản tuyên truyền gây hoang mang và làm sa sút tinh thần cho cả xã hội một cách không đáng có. Chưa bao giờ đất nước ta phải đối mặt với việc xuất hiện năm, mười ngàn bệnh nhân mỗi ngày. Mọi bất cập và thiếu sót là không thể tránh khỏi trong một tình huống chưa từng có tiền lệ đang được cấp tốc sửa chữa và hoàn thiện với tốc độ không thể nhanh hơn.
Tôi có ý này để nhắc nhỡ mình, nếu không thể làm được gì cho xã hội trong thời điểm này, thì chỉ cần chấp hành tốt mọi quyết sách của chính phủ thông qua các chỉ thị hành chính, thì đó cũng đã là một hình thức đóng góp tích cực rồi vậy.
Để giúp nhau vượt qua hoạn nạn, con người cần bao dung, đoàn kết và lan tỏa yêu thương . Đó là vũ khí mạnh mẽ để có thể chiến thắng đại dịch. Đây là thời gian để sống chậm lại, để ngăn chặn Covid 19 nhanh chóng, mạnh mẽ hơn.
Đây là lúc mà người Việt cần thể hiện ý thức sâu sắc về sự đoàn kết, tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Hãy chia sẻ lan tỏa những hình ảnh chia nhau hộp cơm, chai nước của những người dân địa phương với người lao động nghèo trên đường về quê tránh dịch. Có rất nhiều điều làm cho trái tim ta ấm lại, giúp mọi người vững tin hơn vào sự nỗ lực của cả nước trong cuộc chiến đấu với đại dịch
Hãy chỉ chia sẻ những gì nên chia sẻ, hãy suy nghĩ vài phút trước khi nhấn nút share một thứ gì đó. Có những điều tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần lạc quan của chúng ta thì nhất quyết quên nó đi, vì nó chẳng có ích lợi gì cho ai cả. Cần quên bớt cái tôi của mình, vì chắc gì nó đã đúng trong mọi trường hợp. Sự khiêm tốn và cẩn trọng là điều cần thiết nhất bây giờ.
Mọi người ạ, hãy ở yên trong nhà. Không làm được điều này, có lẽ chúng ta cũng chẳng làm được điều gì lớn lao hơn nữa. Mọi sự hạn chế, cũng vì an toàn cho chính bản thân của bạn mà thôi.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.