CÓ PHẢI TẤT CẢ MỌI CON NGƯỜI ĐỀU LÀ NGƯỜI ?

Trong tiếng Anh, từ humanity có nghĩa là nhân loại, nhân tính, lòng nhân đạo, nhân từ…v.v…Nói khác đi, từ ngữ người bao gồm tất cả những ý nghĩa ám chỉ sự tốt đẹp nói trên. Chữ Người không có chỗ cho sự độc ác, tàn nhẫn và hung bạo…Trong văn hóa Trung Hoa, triết lý Mạnh Tử cũng quan niệm “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, ý nói con người sinh ra vốn bản chất Thiện lành. Riêng tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Thiện và ác là hai phạm trù đối nghịch, như phải và trái, như thuyết âm dương, tạo thành hai mặt của một vấn đề mô tả bản chất con người đã có từ hàng ngàn năm trước.

Tại sao lại đặt ra câu hỏi mọi con người có phải là người? Trên thế giới, ở nơi cách xa chúng ta hơn 1/5 vòng trái đất, có một nơi tập trung đủ mọi thành phần bất hảo của cả thế giới. Là nơi mà đàn ông có quyền hãm hiếp bất kỳ phụ nữ nào, và lạnh lùng bắn giết bất cứ ai mà họ cho là thù địch. Người ta gọi nơi đó là lãnh địa của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, thì nơi đó không khác gì địa ngục trần gian, và cũng nơi đó không có gì giống với xã hội loài người của chúng ta. Cũng may, cho đến nay tổ chức đó gần như tan rã vì sự đối phó kịp thời của thế giới văn minh.

Vậy thì liên quan gì đến câu hỏi trên? Có chứ, chúng ta đang nói đến một loại người sẵn sàng làm hại người khác vì mục đích nào đó. Cho một ví dụ dễ hiểu tại Việt Nam, thời gian gần đây vừa xảy ra vụ án giết người vì kẻ sát nhân cần một tử thi thế mạng để quỵt nợ và gạt tiền bảo hiểm lên tới 18 tỷ đồng. Kẻ giết người là một người có chút địa vị trong xã hội, có chức vụ trong chính quyền cấp xã, người mà không ai dám nghĩ rằng sẽ trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Chính vì cái sự không ngờ đó, nạn nhân là cháu vợ bị sát hại bởi ngay chính người thân thích gần gủi với mình, mà không vì một nguyên nhân do mâu thuẩn, cạnh tranh hay thù hận gì trước đó. Chỉ đơn giản là do kẻ giết người không (hay chưa) tìm ra được ai khác để giết, và người bị giết đã xuất hiện đúng nơi, đúng thời điểm mà hắn đang cần một xác chết. Nghĩa là nạn nhân có thể sẽ là bất kỳ ai khác nếu thuận tiện cho hắn nhất. Chúng ta có thể nói tên sát nhân này hoàn toàn mất đi tính người với hành vi độc ác và lạnh lùng không thua gì loài thú dữ.

Một ví dụ thứ hai về tội ác tập thể xảy ra vào Tết năm trước. Bắt nguồn từ việc bắt cóc một cô gái để ép buộc gia đình phải trả nợ. Phía gia đình chẳng những không đáp ứng yêu cầu của bọn xấu, nhưng cũng chẳng khai báo rõ ràng sự việc với chính quyền để giải cứu con mình. Ngay đêm đầu tiên và ba ngày sau đó, cả bọn bắt cóc thay phiên nhau cưỡng bức rồi giết chết nạn nhân. Ở đây, tội ác chồng lên tội ác. Nhóm hung thủ man rợ này hoàn toàn không xem nạn nhân là người. Chúng xâm phạm tính mạng và nhân phẩm người khác như một hành vi tất yếu của loài thú dữ hung hãn và man rợ. Nhắc lại sự việc càng thêm đau lòng. Khi kỹ cương xã hội lơi lỏng, tội ác tức thì bùng phát và gây hậu quả nghiêm trọng. Giữa hai chủ thể là bọn bắt cóc và nạn nhân không hề có sự thù ghét hoặc mâu thuẫn lẫn nhau trước đó. Án mạng xảy ra bắt nguồn từ lợi ích và sau đó là phát sinh dục vọng bản năng. Khi xuống tay với nạn nhân, bọn chúng hiện rõ là những con thú đội lốt người, trong thâm tâm không hề có chút nào gọi là sự bất nhẫn hay lòng thương xót.

Và còn rất nhiều những vụ án sát nhân đẫm máu khác xảy ra trong vài năm trở lại đây. Tất cả đều xoay quanh động cơ giết người cướp của, ghen tuông, cuồng sát v.v…Hậu quả để lại là nỗi đau tột cùng cho gia đình và người thân của nạn nhân.

Trong tiếng Anh, từ humanity có nghĩa là nhân loại, nhân tính, lòng nhân đạo, nhân từ…v.v…Nói khác đi, từ ngữ người bao gồm tất cả những ý nghĩa ám chỉ sự tốt đẹp nói trên. Chữ Người không có chỗ cho sự độc ác, tàn nhẫn và hung bạo…Trong văn hóa Trung Hoa, triết lý Mạnh Tử cũng quan niệm “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, ý nói con người sinh ra vốn bản chất Thiện lành. Riêng tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Thiện và ác là hai phạm trù đối nghịch, như phải và trái, như thuyết âm dương, tạo thành hai mặt của một vấn đề mô tả bản chất con người đã có từ hàng ngàn năm trước.

Có lẽ từ xưa, ngay từ khởi thủy, con người (tôi dùng từ con người, mà có lẽ loài người cũng đúng) đã khác với vô số giống loài khác. Để đấu tranh sinh tồn và tiến hóa, con người sử dụng sức mạnh thể chất, kỹ năng khéo léo, trí thông minh sáng tạo và sự thích nghi với môi trường để tồn tại và trở thành một sinh vật cao cấp nhất trong thế giới muôn loài.

Nhưng có một điều kỳ lạ, dù là sinh vật thượng đẳng, thống trị muôn loài nhưng con người vẫn có kẻ thích xâm phạm, thậm chí giết hại hoặc ăn thịt đồng loại giống như những loài dã thú khác. Hầu như loài động vật nào cũng có bản năng sinh tồn, biết tự vệ và chống trả mọi xâm hại từ đồng loại hay loài khác. Hơn tất cả, con người biết đoàn kết, phân biệt bạn và thù, người tốt và kẻ xấu, nhận định rõ phải trái để tự xây dựng cộng đồng lớn mạnh, và tự bảo vệ xã hội, tổ quốc trước những cuộc ngoại xâm, có luật pháp vững mạnh và tính răn đe hiệu quả để trấn áp và triệt tiêu bằng được cái xấu.

Nhưng ở chiều song song và ngược lại, có một loại người khác hẳn, với bản chất tham lam, hung dữ, thủ đoạn và tàn độc, chúng trở thành kẻ cướp bóc, xâm lược, sát nhân, cố ý xâm phạm để tước đoạt của cải vật chất và sinh mạng của người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu thấp hèn của riêng mình,vậy thì ngay chính tính chất man rợ đó đã nói lên rằng loại người này hoàn toàn không có, hoặc không đủ nhân tính với ý nghĩa cao đẹp nhất của từ nhân loại nữa.

Vậy Bạn hãy suy nghĩ đi, bản chất con người thật sự tốt hay xấu? Và nên phân loại con người thế nào cho đúng? Có lẽ Bạn sẽ cười mỉa mai chế giễu tôi rằng:”Ông rảnh quá đó, ở không quá nên bàn chuyện vô bổ”. Kệ đi ha, tôi đang rảnh thật mà, cứ xem như chỉ là tán gẫu cho…vui nhé !(Thật ra buồn hay vui cũng không biết nữa).

Theo tôi, loài người luôn chia làm hai loại. Đó là Người (Viết hoa) và Con người.

NGƯỜI là sinh vật cao cấp nhất, có trí tuệ thông minh, biết suy xét để lường trước mọi nguy cơ, bản chất hiền lành nhân từ biết yêu thương đồng loại, có tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau, biết củng cố và phát huy sức mạnh để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, luôn hướng tới mọi điều tốt đẹp vun đắp cho sự bình yên của hòa bình thế giới.

Ở phía con người kia, tính bản ác có lẽ là do bản năng di truyền mang đủ tính chất đối nghịch với người bản thiện. Họ bộc lộ sự hung hăng dữ dằn khi giao tiếp, thích hiếp đáp người yếu hoặc cô thế, tham lam ích kỷ khi tranh giành lợi ích về mình, tính cách xảo quyệt và thủ đoạn để lẫn trốn luật pháp, và độc ác man rợ khi tướt đoạt sinh mạng đồng loại. Họ sử dụng trí khôn để gây nên điều ác, do đó nếu nói về khía cạnh xấu, thì con người cũng chính là chúa tể của bóng tối, vượt xa những loài thú dữ man rợ nhất.

Tuy vậy, đối với người bình thường, đôi khi ranh giới thiện ác cũng trở nên mong manh. Lòng tham ác, sự giận dữ và thú tính có thể kích hoạt phần con trong mỗi chúng ta khi lý trí mất kiểm soát. Con người dù sao cũng chỉ là một sinh vật trong thế giới muôn loài, khi bị tác động nào đó từ bên ngoài, có thể do thèm muốn dục vọng, lòng tham trỗi dậy, cơn giận dữ không thể kiềm chế, rất rất nhiều thứ có thể khiến cho phần con lấn át phần người, khi đó họ quên mất các rào cản đạo đức, lòng tự trọng và nhân cách cũng như các thiết chế do xã hội áp đặt. Họ bộc phát  sự liều lĩnh để dại dột làm điều mà khi bình tĩnh sẽ không bao giờ làm, đó là gây nên tội ác.

Khi xã hội nhiễu nhương, việc thực thi luật pháp yếu kém sẽ là tiền đề tạo cơ hội cho con người bộc lộ bản năng thấp hèn nhiều hơn. Do đó, từ ý thức của mỗi bản thân, con người có giáo dục và có truyền thống đạo đức tốt đẹp phải tự biết ranh giới nào không thể vượt qua, giá trị nào không thể đánh đổi.

Trong lịch sử loài người, vì hai phạm trù thiện ác luôn hiện hữu và tồn tại song song, nên cuộc chiến chống ngoại xâm, đấu tranh sinh tồn chống lại cái ác luôn là mối quan tâm hàng đầu của Người có ý thức. Cái này mạnh lên thì tất nhiên cái kia sẽ yếu đi. Điều này là nguyên nhân khiến cho luật phát nghiêm minh luôn là sức mạnh cứng bảo vệ sự an toàn cho loài người. Nếu không thể loại trừ hoàn toàn cái ác ra khỏi cuộc sống con người, nhất thiết phải có giải pháp trấn áp hiệu quả mầm mống và sự trỗi dậy của cái ác ở mọi nơi và mọi lúc.

Đối với từng cá thể nhỏ bé trong xã hội, Bạn có luôn tự nhủ bản thân cần phải luôn cảnh giác và cẩn thận khi ra đường, để phòng ngừa bị cướp giật hoặc tai nạn giao thông từ những kẻ xấu hay lơ đễnh không tôn trọng tính mạng người khác. Tính thích phô trương vật chất, hay khoe khoang đồ trang sức đắt tiền khi ra ngoài sẽ vô tình làm hại Bạn. Để tự bảo vệ bản thân, phụ nữ không nên ở một mình tại nơi vắng vẻ, hoặc mạo hiểm và đơn độc tham gia ăn nhậu chung với một nhóm đàn ông ít quen biết.. Phụ nữ ăn mặc hở hang, khêu gợi dục tính, sẽ dễ kích hoạt bản năng thấp hèn của những tên vô lại. Sự thiếu hiểu biết và thói quen chủ quan sơ hở tạo ra nguy cơ và hiểm họa cho bản thân vì chính Bạn là người vô tư cung cấp cơ hội cho đối tượng xấu hãm hại.

Mặt khác, sự tham lam và hám lợi cũng là một tác nhân khác. Tự mình tiếp cận hoặc bị tiếp cận bằng mồi nhữ vật chất hấp dẫn. Dù bằng cách nào, Bạn cũng dễ dàng bị lợi dụng và có nguy cơ bị lôi kéo vào con đường phạm pháp, hay tệ nhất là chính Bạn sẽ bị xâm hại. Cách tốt nhất hãy luôn cảnh giác và không giao du với người lạ hoặc không đáng tin cậy, nhất là phải tránh xa đối với thành phần bất hảo.

Tóm lại, để bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi chúng ta cần đề cao cảnh giác mọi nơi mọi lúc, tự nâng cao kỹ năng và vốn hiểu biết để có thể đối phó với mọi hiểm họa. Sống lương thiện và biết tuân thủ luật pháp là cách hữu hiệu để luôn được bình thản an lành. Chúc mọi người mãi mãi bình yên và hạnh phúc.

Comments

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT