THẾ GIỚI PHẲNG HỒI NÀO?
Càng ngày tôi càng có cảm giác mình trở nên bất thường khi băn khoăn về những điều mà người khác cho rằng phi thực tế. Nhiều lúc tôi thấy chán ghét cái thế giới mình đang sống, ghét cái tính độc ác và tham lam của con người. Thế giới ngày nay đầy hận thù và hiềm khích nhưng lại được ngụy trang toàn ngôn từ đạo đức với các lý thuyết ba hoa,và… sáo rỗng. Vậy mà bây giờ ai cũng hồ hởi gọi nó là thế giới phẳng. Tôi muốn tâm sự với Bạn một câu chuyện phiếm theo cách của một kẻ tầm thường với những người bình thường sống quanh ta.
Đầu năm 2005, Thomas L Friedman (một nhà báo của tạp chí New York Time – Hoa kỳ) xuất bản cuốn sách The World is Flat (Tạm dịch là Thế giới phẳng). Trong cuốn sách này ông nêu bật sự kết hợp của khái niệm toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong thế kỷ 21. Hai điều này có quan hệ biện chứng với nhau, qua đó nó thúc đẩy lẫn nhau. Friedman đưa ra lý thuyết về một thế giới toàn cầu hóa 3.0, trong đó con người kết nối và phụ thuộc lẫn nhau qua 3 nhân tố lớn nhất:
1. Bằng máy tính cá nhân với hệ điều hành Windows của Microsoft
2. Phát triển mạng toàn cầu (world wide web) và giao tiếp kết nối với nhau bằng đường truyền internet.
3. Con người có thể làm việc ở bất kỳ đâu với các phần mềm ứng dụng quản lý và xử lý công việc thông qua 2 nhân tố trên
Dù muốn hay không, không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi công nghệ này, mọi người sẽ bắt buộc phải chấp nhận sự vận hành cuộc sống theo một cách thức khác xưa. Ngay cả chính phủ các nước nhỏ yếu kém công nghệ cũng rất lúng túng và bất cập trong việc tìm ra giải pháp tham gia quản lý để hòa nhập mà không bị xem là lạc hậu.
Trong một thế giới phẳng, người ta trao đổi mọi thứ bằng những giòng text và những cú click chuột. Tất cả đều diễn ra theo thời gian thực và gần như ngay tức thì dù đang ở bất kỳ đâu. Những kẻ yêu nhau có thể gặp gỡ mỗi ngày, biểu lộ tình cảm qua các ứng dụng Video Call trên mạng xã hội, dù họ đang ở cách xa nhau nửa vòng trái đất. Với mạng cáp quang toàn cầu, những nhà bán lẻ như công ty Amazone ở Mỹ có thể tìm đến người dùng cuối ở Việt Nam thông qua Internet, người mua sẽ trả tiền qua mạng lưới ngân hàng thế giới bằng thẻ tín dụng. Mọi giao dịch đều có thể được thực hiện qua ứng dụng trình duyệt trên một Smart Phone thậm chí rất rẻ tiền.
Bạn muốn làm nghề lái Taxi tại Việt Nam? Có một công ty công nghệ đa quốc gia như Grab ở Singapore đang quản lý và điều hành vài triệu lái xe sống trong 7 quốc gia thuộc vùng Đông Nam á. Chỉ với một nền tảng ứng dụng gọi xe do Grab phát triển, họ chinh phục thị trường vận chuyển mọi nơi mà không cần đầu tư gì nhiều. Họ có thể vừa tuyển dụng, vừa quản lý và điều hành và dĩ nhiên là cả việc thu tiền dịch vụ. Tất cả đều qua mạng. Muốn gặp họ, Bạn cần phải có Smartphone có cài đặt ứng dụng và kết nối internet để tương tác. Nói thế giới đã thu nhỏ và phẳng lỳ trên màn hình máy tính là như thế.
Thế giới ngày nay nằm gọn trong bàn tay thâu tóm của kẻ giàu. Họ phát triển và lợi dụng sự tiến bộ công nghệ để vẽ lại và thu gọn thế giới chỉ còn bằng diện tích 14 inches của màn hình Laptop, thậm chí nhỏ hơn nữa chỉ là 6 inches của màn hình Smartphone. Và loài người chúng ta bò lúc nhúc trong đó như một bầy kiến theo một trật tự nhất định một cách vô thức.
Nhiều lúc tôi không biết con người có ý thức được mình đang sống trong thời đại nào không? Vì dường như họ chưa hiểu mình đang bị dòm ngó soi mói khắp nơi. Họ vẫn vô tư sinh hoạt, đi lại, làm tình, đánh ghen, ẩu đả, thị phi và thậm chí thực hiện hành vi trộm cắp mà không hề nghĩ rằng tất tần tật mọi thứ đã được ghi lại bằng hằng tỷ camera, hoặc smartphone giăng mắc như mạng nhện khắp nơi. (Haizzz, chưa bao giờ đời tư con người bị xâm phạm đến mức hiển nhiên như thế.) Dĩ nhiên sau đó họ có thể nhận ra hình ảnh của mình đã bị ghi lại và đang lưu thông trên mạng với tốc độ chóng mặt, nhưng đến lúc đó thì đã muộn,
Vì sao con người bất cẩn đến thế? Trong một thế giới phẳng, mọi rào cản đạo đức, pháp lý và nhân phẩm dường như trở nên vô tác dụng. Con người được tự do thể hiện bản năng vô giới hạn. Dẫu biết rằng con người là một giống loài thông minh, cũng chính vì thế mà mọi điều tiêu cực càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ai cũng có thể tiếp cận với điều tốt đẹp lẫn cái xấu xa bỉ ổi bất kể không gian và thời gian, nơi mà cảnh sát không hiện diện tức thời sẽ tạo điều kiện cho cái ác tung hoành không sao cấm cản.
Chung quy con người cũng chỉ là một loài động vật, nó sẽ trở nên độc ác hung hăng nếu không bị kiềm chế. Hành vi phạm tội thì tức thời, nhưng biện pháp xử lý thì vẫn theo cái gọi là quy trình kiểu cũ. Con người nghĩ rằng ẩn danh khi ở trên mạng thì không ai nhận ra mình, họ tự post video khiêu dâm của chính mình lên các trang web XXX để kiếm tiền và tin rằng chẳng ai nhận ra vì đã làm mờ che mặt. Các băng nhóm tội phạm, lừa đảo sống ngoài vòng pháp luật có thêm môi trường hoạt động, chúng tung hoành trên không gian mạng như chốn không người.
Con người ngày nay thả sức phê phán và xúc phạm lẫn nhau một cách dễ dàng. Ngồi một mình và tương tác với mọi đối tượng vô hình qua mạng khiến người ta trở nên tự tin, hung hăng và liều lĩnh hơn khi công kích một ai đó. Con người trở nên ích kỷ và tàn nhẫn hơn trong mọi hành vi đối nhân xử thế. Lẽ dĩ nhiên, thế giới ngày càng trở nên bất an và nguy hiểm rất đáng sợ. Ít ai nghĩ đến việc mọi hậu quả xảy ra ở đây đều không cho ai bất kỳ cơ hội nào để sửa chữa.
Khi công nghệ liên tục phát triển, cuộc cạnh tranh sinh tồn trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết. Hệ quả hiển nhiên, thế giới thay đổi thì con người cũng thay đổi. Người ta mong mỏi sự kết nối và chia sẻ sẽ làm con người chan hòa, thân thiện và đoàn kết hơn trên hạ tầng mạng toàn cầu?
Hoàn toàn không phải như vậy, nếu hiệu quả tích cực mang lại cho con người là rất to lớn, thì ở một mặt khác sự tiêu cực cũng đến nhiều không kém. Cơ hội không phải khi nào cũng dành cho tất cả, nó chỉ mở ra cánh cửa cho một số rất ít người. Khi thế giới trở nên phẳng hơn, thì chỉ có những con cá mập tài chính và các công ty công nghệ hưởng lợi lớn nhất trong lĩnh vực giao thương, sự cạnh tranh trở nên bất bình đẳng và kẻ yếu thế sẽ bị tiêu diệt mau chóng. Xã hội sẽ quay trở về với cuộc phân chia giai cấp tàn bạo nhất từ trước đến giờ. Lý thuyết chỉ ra rằng trong một đại dương tiền bạc thì cá lớn sẽ nuốt sạch cá bé, kể cả cá lòng tong hay những loài phiêu sinh ốm yếu, không sót cả một cọng rong đã trở thành hiện thực. Thế gian chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ những con cá mập lắm tiền nhiều của hoành hành, chúng nắm đầu và nuốt chửng tất cả nhân loại thông qua vài ứng dụng quản lý có khi rất bèo bọt. Còn chúng ta mặc nhiên trở thành kẻ làm thuê chưa từng biết mặt ông chủ của mình, chúng ta có thể bất kỳ là ai trên thế giới không còn phân biệt ranh giới lãnh thổ hoặc quốc tịch.
Những kẻ cuồng công nghệ rêu rao rằng chúng ta đang sống trong thời công nghệ 4.0 với trí tuệ nhân tạo trên một thế giới phẳng toàn cầu hóa, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Bạn quên đi nhé, tất cả chỉ toàn là láo toét và giáo điều rỗng tuếch. Nếu bạn không phải là thiên tài, con ông cháu cha, cậu ấm cô chiêu, hoặc không chịu bán mình cho lũ cá mập chống lưng, kiểu gì cũng chỉ trở thành những kẻ làm thuê cho các tập đoàn tư bản, hay thậm chí cả bọn tội phạm rửa tiền thông qua đủ loại ngành nghề trên thế giới. Cuộc chơi nằm trong tay rất ít người và nó không bao giờ dành cho tất cả mọi người. Bạn hiểu không?
Nhiều người tự hỏi thế giới phẳng hay không thì liên quan gì đến ai? Mọi người sẽ nói, tôi chỉ cần một công việc để sinh sống, một nơi để ở và một gia đình để quay về. Chúng ta muốn được sống bình yên, với những ước mơ đơn giản để vươn tới và còn có những giá trị lâu bền để gìn giữ. Thực tế đã cho thấy rằng không phải vậy, Bạn có biết cách mà bạn đang sống ngày nay khác biệt với ngày xưa thế nào không? Ngày nay Bạn không thể làm gì, nếu một ngày mà máy tính của Bạn bị hư hỏng hoặc nhà Bạn bị mất kết nối với Internet. Tìm cách khác để tạo ra cuộc sống của riêng mình và chống lại ư? Không có cửa cho tất cả chúng ta trừ khi Bạn về quê làm ruộng hay lên rừng đốn củi, toàn tâm toàn ý cắt đứt giao tiếp với loài người.
Con người còn đưa cả chiến tranh vào trong thế giới phẳng, bất kỳ một biến động chính trị gây nên chiến tranh lạnh của các siêu cường quốc cũng có thể làm tổn thương toàn thế giới, nhất là các nước thuộc thế giới thứ ba. Sự sụp đổ nền kinh tế các nước sẽ diễn ra nhanh hơn vì hiệu ứng dây chuyền lan rộng với tốc độ ánh sáng trên thế giới phẳng theo thời gian thực.
Con người thời nào cũng sẵn sàng đấu đá, sát phạt nhau để tranh giành phần thắng. Qua mấy mươi thế kỷ, con người vẫn to mồm nhân danh này nọ để thu tóm quyền lợi vật chất cho bản thân mà chưa hề có bất kỳ sự thay đổi tiến bộ nào. Con người vẫn chỉ là con người, bọn ngụy quân tử tham lam man trá vẫn đầy dẫy quanh ta dù họ đang ngồi ở vị trí nào trong xã hội. Vậy thế giới phẳng hồi nào, khi nó vẫn bị quyền lực bẻ cong theo ý muốn của lòng tham và sự độc ác.
Muốn cải thiện những bất cập do sự tiến bộ nhanh quá mức của công nghệ mang đến, cần phải nhờ đến chính sách bảo hộ và hệ thống kiểm duyệt tinh vi từ các nhà quản lý sáng suốt giỏi giang của chính phủ. Đây là một sứ mệnh mang tầm vĩ mô nhắm vào sự đóng góp và cơ hội phát triển của toàn dân tộc. Nhưng tiếc thay, cuộc sống đã dạy rằng, bước ra biển lớn để được tiếng hội nhập mà chưa đủ trình thì chỉ là đưa đầu cho cá mập nuốt chửng mà thôi. Chẳng qua chân cẳng còn yếu mà đã vội hớn hở lao vào cuộc chơi của….kẻ khác.
Riêng cá nhân nhỏ bé của mỗi người hãy biết sống tốt và hành xử sao cho phải đạo. Cứ nên nghĩ rằng chúng ta đang sống trong đời thật, chỉ là mọi đối tượng hay đối tác không có mặt ở đó mà thôi.
Nói chung, Thế giới phẳng là một khái niệm chỉ ra cách mà tất cả chúng ta đang bị vận hành bằng thành quả công nghệ. Sau nó thì sẽ đến loại thế giới nào nữa ? Chưa biết được, điều mong mỏi của tất cả con người là được hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất, mà mọi giá trị truyền thống vẫn được ghi nhớ lưu giữ và duy trì. Thứ chúng ta cần là hòa bình và hạnh phúc trên quê hương mình. Còn bây giờ, tôi tự hỏi con người thông minh đang biến trái đất này ngày càng trở nên đáng sợ hay đáng sống? Hãy luôn cảnh giác các Bạn nhé!
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.