Ý THỨC CON RUỒI CỦA TÀI XẾ VIỆT
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê chiều 27-12-2019, số người chết chủ
yếu xảy ra tại các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, đặc biệt nghiêm
trọng.
Cụ thể, trong năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn
giao thông, bao gồm 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở
lên và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm 7.624 người chết, 13.624 người
bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ.
Trong tổng số 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, có
9.021 vụ (chiếm 97,7%) xảy ra trên đường bộ, làm 7.458 người chết và
5.054 người bị thương. Bình quân 1 ngày trong năm 2019, trên địa bàn cả
nước xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông (giảm 2 vụ so với năm 2018), gồm 25
vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 23 vụ va chạm giao
thông, làm 21 người chết, 37 người bị thương và 23 người bị thương nhẹ.
Sống ở thời này, không có xe di chuyển thì cứ như cùi chân. Phương
tiện lưu thông của tôi gồm cả 2 loại xe, ô tô và xe máy. Nhưng dù cầm lái xe
nào, trong điều kiện giao thông hiện nay, tôi thường xuyên tự nhiên bị mất khả
năng ngôn ngữ tiếng Việt. Lúc đó trạng thái thay đổi rất kỳ cục, tôi chỉ phun
ra toàn tiếng Đức không hà ?? (Nếu lúc đó có ai đi cùng, sẽ bị tôi làm khổ 2
cái lỗ tai tội nghiệp của họ)
Bạn thử nghĩ đi, ai muốn cầm lái ô tô, cũng đều phải đi học
và được cấp bằng. Và ai muốn lái xe thì trong tay cũng có một tấm bằng lái. Nhưng
khi ngồi trước vô lăng, tôi luôn có cảm giác mình đang đi vào một vùng tử địa bị
thập diện mai phục bởi vô số tài xế không có bằng . Cảm giác này chắc cũng
không khác gì thời chiến tranh, các phi công cảm tử đang bay trong một cuộc
không chiến, mà đạn bắn véo véo chung quanh đỏ rực trời.
Trong thành phố này, đường xá lúc nào cũng chật kín xe cộ.
Tôi luôn cố gắng tránh va chạm với cơ man nào xe máy bủa vây hỗn loạn, đông còn
hơn quân Nguyên. Nhưng không sao, ráng cẩn thận là được mà há. Mình cứ từ tốn,
giữ khoảng cách (tối thiểu) với họ thì sẽ ổn cả. Nhưng khó né được chuyện trầy
xước cái xe yêu quý của mình, mấy ông xe máy cứ áp sát thản nhiên cọ quẹt không
chút áy náy. Đành chịu thôi, sống ở thành phố Saigon này mà xe cộ không bị xước
xác mới là chuyện lạ, không lẽ trùm mền cất cái xe ở nhà để thờ sao ?
Nhưng thật ra mối hiểm họa lại đến từ các phía khác. Đó là
các loại ô tô, xe khách, xe tải đang phóng ào ào chung quanh tôi.
Phần đông tài xế Việt nam có lối lái xe rất độc lạ. Tôi đố mấy
ông Tây lái xe được ở Saigon giờ cao điểm. Mà dù cao điểm hay thấp điểm, kẹt xe
hay không kẹt xe, tài xế Việt không bao giờ có thói quen giữ khoảng cách an
toàn tối thiểu. Nhất là mấy ông xe container, xe tải và xe bus, đã ra đường thì
phải phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, áp sát. Cái lối lấy thịt đè người, áp đảo
người khác một cách thản nhiên, rất mất dạy và không có văn hóa.
Chẳng những thế, dù không còn tí khoảng trống nào cho xe
phía trước nhích lên nhường đường, xe sau vẫn cố bấm còi inh ỏi. Ra cái điều :”
Ê thằng kia, chạy đi chứ! Hay tránh ra cho ông mày chạy coi”.
Có lần trên cao tốc, một ông xe khách kềnh càng áp sát đít
xe tôi, ngó qua gương chiếu hậu tôi có cảm giác xe nó gần chạm đít xe mình. Thằng
xe khách này vừa bóp kèn vừa nháy đèn liên tục đòi tôi nhường đường, trong khi
đàng trước xe tôi là một ông xe tải (hình như chở quá tải chạy chậm rì, có vẻ
như nó đang gồng mình nhấn hết ga mà lết không nổi), còn bên hông của tôi ở làn
kế bên thì vướng một ông đầu kéo rề rà không muốn vượt. Nói chung là dù có muốn
nhường đường cho xe sau thì tôi cũng hết cách.
Thế nhưng cái thằng xe khách kia vẫn gây áp lực rất khó chịu.
Song song với việc bóp muốn bẹp cái còi, là chiêu áp sát đít xe người khác.
Thói quen thích hửi đít này của tài xế Việt đã gây ra nhiều tai nạn liên hoàn
mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.
Gặp trường hợp đó, khiến tôi cũng điên tiết lên, nhã ga từ từ
về còn khoảng 60km/h. Thằng xe khách buột phải chạy chậm lại. Lát sau nó chịu
không nổi, nên cũng tự động chuyển làn.
Phương châm của tôi là không sợ thằng nào cả. Mình cứ điều
khiển xe đúng luật giao thông. Cứng rắn giữ bình tĩnh và thản nhiên mà chạy. Đừng
để thằng nào áp lực, ép lái mình. Đừng có cà cuống lên rồi vi phạm luật. Thiệt
thân mình chứ ai?
Còn một nỗi bực mình khác. Có lần tôi đang cố giữ khoảng
cách với xe phía trước, thì các ô tô làn bên cạnh tự nhiên nhanh chóng chuyển
làn để lấp vào cái khoảng trống đó. Nhiều khi bị tạt đầu xe ở cự ly gần, khiến
tôi phải phanh gấp chúi nhũi. Lúc đó trong vô thức, không phang tiếng Đức thì xổ
tiếng gì chớ?
Cái kiểu chạy xe gấp gáp, phải nhanh hơn người ta thì mới được,
nó giống như :”Thông cảm đi, ba má tao đang hấp hối ở nhà, chờ tao về để kịp
nhìn mặt” vậy đó. Mà thật ra có nhanh hơn được thì cũng cam. Chỉ là tâm lý
không thích chạy sau xe người khác mà thôi. Cố quá thì sớm trở thành quá cố
nghe mấy anh tài dỏm.
Những lần kẹt xe, nếu ở trên cao tốc, chính mắt tôi chứng kiến
cơ man nào ô tô, xe khách, xe tải, xe công vụ vẫn lao vun vút trong làn dừng khẩn
cấp. Còn trên quốc lộ hay trong thành phố, thì những loại xe này sẽ nhào vào
làn xe máy để vượt lên trước nếu quan sát thấy không có bóng dáng cảnh sát giao
thông.
Tôi là dân đi ô tô, nhưng vô cùng bất mãn và cực ghét khi chứng
kiến cảnh các loại xe to bự kềnh càng như xe khách, xe tải chạy lấn vào làn
trong cùng dành cho xe 2 bánh. Những lúc đó, dòng xe máy hốt hoảng tán loạn, dạt
lên lề, hay túa ra len lỏi giữa dòng ô tô một cách nguy hiểm. Lòng tự trọng và
ý thức thượng tôn pháp luật, cũng như tôn trọng tính mạng người đi đường của mấy
gã tài xế vô lương tâm đó chắc hoàn toàn không có, hoặc có mà đã bị cóc gặm mất.
Có tiền đi xe hơi chưa chắc là có văn hóa và ý thức tham gia
giao thông. Ngồi trên ô tô nhưng xem thường sự nguy hiểm mà mình cố tình tạo ra
cho người khác. Hai làn ô tô kín xe chờ đèn đỏ, vẫn có những người cố chen vào
làn xe máy để vượt lên trước người khác. Từ xe tư nhân 4, 5 chỗ, đến xe chở
khách 16 chỗ, không phải một hai xe, mà rất nhiều xe xông vào chen chúc với xe
máy một cách thô bạo và thản nhiên. Họ cố ý vi phạm và đẩy những người đi xe
hai bánh nhỏ bé văng vào lề, hoặc phải dạt ra làn ô tô, nếu không muốn dừng lại
một chỗ.
Họ chạy phía sau nhưng luôn muốn vượt lên trước người khác.
Ý thức của họ không hơn ý thức con ruồi. Vì không có lòng tự trọng để biết xếp hàng
chờ đến lượt. Có những người đi xe khá đắt tiền. Nhưng có lẽ tiền của họ tỉ lệ
nghịch với văn hóa mà họ có.
Những chiếc xe khách, xe tải to đùng kềnh càng cũng cố tình
vượt phải, vô tư chen cho được vào trong. Họ thản nhiên chặn hết lối đi của người
đi xe hai bánh.
Chỉ cần không có cảnh sát đứng đó, thì ai cũng có thể vi phạm.
Giống như người nuôi dạy thú phải luôn cầm cây roi thì chúng mới phục tùng vậy.
Những khi đi công việc gấp trong thành phố, đương nhiên là
tôi sử dụng xe 2 bánh như bao người khác. Chiếc xe cùi bắp cũ xì của tôi thuận
tiện cho việc quăng quật và vứt đại ở vĩa hè mà không sợ ve chai lượm. Khi đó
tôi mới thấy thấm thía sự ức chế và đau khổ của người đi xe máy.
Này nhé, làn xe máy là làn xe đầu thừa đuôi thẹo nhất của một
con đường, nó vừa nhỏ hẹp lại lồi lõm lỗ hang trông thật tội nghiệp. Đã thế, thỉnh
thoảng có 1 chiếc xe container hoặc xe khách đỗ chình ình chiếm hết cả làn đường.
Khi ấy, luồng xe máy đang lưu thông phải dạt ra làn xe 4 bánh, hay làn hỗn hợp
giữa tiếng bóp còi inh ỏi của những chiếc ô tô đang chạy phía sau, kiểu như:”Ê
mấy thằng xe máy, coi chừng xe đụng chết bây giờ”.
Một lần, vào buổi sáng trên đường đi làm, tôi đang chạy xe
máy sát trong lề. Bỗng dưng tôi giật bắn mình vì nghe tiếng còi ô tô vang lên
sau lưng. Một chiếc VIOS 4 chỗ biển số tỉnh đang bóp kèn thúc giục tôi tránh đường
cho nó chạy trong làn xe máy, vì trên làn 4 bánh bên ngoài đông nghẹt xe cộ đang
kẹt cứng nhích từng chút một. Tôi chạy chậm lại rồi dừng hẳn trước mủi xe đó.
Phải có ai đó dạy cho nó biết luật giao thông chứ. Dĩ nhiên thấy tôi kiên quyết
không tránh đường, và những chiếc xe máy chung quanh bắt đầu vây quanh nó. Thì
nó bật xi nhan trái để chuyển ra làn ngoài. Nói thật, thể loại tài xế có ý thức
con ruồi và không biết điều kiểu đó tôi rất khinh.
Bạn thử nghĩ đi, ở cái đất nước này, nhà nước tích cực xây dựng
hàng tá công trình giao thông hiện đại, cao tốc hoành tráng. Nhưng suy đi nghĩ
lại, có bao nhiêu mét đường dành riêng cho 60 triệu người đi xe hai bánh. Số
người chết vì tai nạn giao thông phần đông thuộc tầng lớp nào? Dĩ nhiên là người
đi xe máy chứ ai? Và thủ phạm là ai?
Tôi nghĩ dù không nói ra thì ai cũng biết là ai đấy. Thủ phạm
đâu chỉ là ma men, mà còn là ma túy, là trình độ văn hóa thấp, là đạo đức kém
cõi của người điều khiển xe 4 bánh.
Ở nước ngoài, xe ô tô là cái chân không thể thiếu. Trừ người
giàu lái xe sang thì ai cũng như ai. Nếu không chấp hành luật giao thông, ngoài
bị phạt nặng còn có thể bị đi tù. Ở Vietnam, mới dành dụm được hai ba trăm triệu
mua trả góp chiếc xe cỏ 4 bánh là cái mặt đã vác hất lên trời thiếu điều sái cả
cổ. Ra đường thì điều khiển xe chẳng theo luật lệ nào (Của đáng tội, không biết
có học luật đi đường không nữa) cứ như lái xe trên bờ ruộng, tay thì cuồng bóp
kèn như thời đi xe máy, nghe rát cả tai. Mấy anh trẻ trẻ trèo lên xe tải, xe
khách thì hừng hực máu mê đua tốc độ, chẳng kể số gì tới tính mạng người đi dưới
lòng đường. Các anh tài lái xe công thì dựa hơi các sếp phớt lờ luật lệ cứ vô
tư phóng nhanh, vượt ẩu.
Cho nên ngoài việc hoan nghênh cổ vũ cho nghị định 100 về
bia rượu vừa mới hiệu lực từ đầu năm. Thiết nghĩ nhà nước nên thiết lập lại kỷ
cương ở nhiều mặt khác nữa, siết chặt quản lý các tiêu chuẩn mà một tài xế cần
phải có để gầy dựng một văn hóa giao thông an toàn và văn minh. Để số người chết
vì tai nạn giao thông tại Vietnam hằng năm không còn là một nỗi ám ảnh. Để những
người tham gia giao thông bằng xe hai bánh biết chắc mỗi ngày khi ra đường sẽ là
một ngày bình yên để quay trở về nhà an toàn lành lặn. Đại diện cho người đi xe
hai bánh, chúng tôi thật lòng năn nỉ các bác tài, nếu chưa đủ ý thức thì hãy ráng
mau chóng tự tu dưỡng đạo đức của người lái xe có tâm đi các bác tài ạ !
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.