THÓI CẨU THẢ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ BÀI CA CON CÁ
Ngày xưa người ta hình dung thói cẩu thả bằng cụm từ “ăn thiệt làm dối”.
Chỉ những người có cách làm việc qua loa, vội vã, sao cho sớm xong phần
việc của mình, không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả công việc. Vì
thế sự ẩu tả có mối quan hệ nhân quả với tính cách hời hợt, vô trách
nhiệm và cả sự ích kỷ nữa.
Một xã hội tiến bộ và văn minh sẽ khó chấp nhận người cẩu thả qua sàng
lọc khắc nghiệt như một định luật tiến hóa cần phải có.
Nguyên nhân trực tiếp khiến tôi thực hiện video này là do
ngày hôm qua tôi gặp phải một tai nạn nhỏ khi đi quay ngoại cảnh ở Sở thú
Saigon. Thật ra sự cố cũng không có gì quá nghiêm trọng, nhưng đã khiến tôi bực
bội cả buổi sáng hôm ấy.
Gần tám giờ sáng, tôi đã có mặt ở Thảo cầm viên với chủ định
sẽ vào vườn hoa có nhà hoa lan trong đó để chụp ảnh quay phim một số loài hoa cỏ.
Buổi sáng ở đây vắng vẻ, hình như chỉ mới có mình tôi là khách tham quan giờ
này. Tôi thấy ở góc vườn có vài công nhân của thảo cầm viên đang ngồi tán gẫu.
Và tôi chắc rằng họ cũng đã nhìn thấy tôi, khi tôi đi bộ quanh quẩn gần đó để
quay phim và chụp ảnh.
Nhà hoa lan nằm ở cuối vườn. Nơi đây trưng bày một số giống
lan và loài thảo mộc khác. Sau khi chụp ảnh các loại cây cỏ ngoài vườn xong,
tôi vào hẳn bên trong nhà hoa lan. Khi tôi đang chăm chú ngắm chụp và quay vài
đoạn video cho các nhánh hoa đẹp, thì trời ơi có một vòi nước lớn bất ngờ phun
thẳng vào tôi. Giật mình, tôi kên lên và vội vàng nhảy lùi lại ra sau. Nhưng vô
ích, trong khoảnh khắc thì luồng nước mạnh bạo đã túa ra bao trùm hết lên người.
Giấu cái máy ảnh ra sau lưng, tôi ba chân bốn cẳng chạy vội ra ngoài. Nhưng cả
đầu cổ quần áo, và quan trọng nhất, cái máy ảnh của tôi đã kịp ướt sủng nước.
Thì ra có ai đó đang tưới hàng cây dọc bên hông nhà hoa lan.
Luồng nước cực mạnh vọt thẳng vào bên trong trúng ngay chỗ tôi đang đứng chụp ảnh.
Và giờ tôi cũng hiểu vì sao các loại hoa có cánh nhỏ mỏng manh được trưng bày trong
này đa phần bị giập nát và úng nước. Mà lẽ ra ở một vườn ươm như Thảo cầm viên
thì nó phải được chăm chút cẩn thận và tươi đẹp hơn nhiều.
Sau đó, vòi nước cũng ngưng xịt. Vài gương mặt của các công
nhân ló ra từ xa, kiểu như:”Có chuyện gì thế?”. Tôi nghe có người lên tiếng:”Không
biết có ảnh đứng trong nhà hoa Lan”. Một nam công nhân đi lại gần tôi vừa lắc đầu
và nói:”Không biết anh có ở trỏng!”. Lúc ấy tôi chợt có cảm giác chính mình là
người có lỗi chứ không phải họ.
Chỉ trong vài phút, tôi nghe họ lập đi lập lại cái câu:”Không
biết có tôi trong nhà hoa lan” !!!? đến 2, 3 lần. Việc trước tiên họ làm là chống
chế và tự biện minh về việc mà họ vừa gây ra.
Trời ạ! Tôi mua cái vé tham quan là 50k. Và đó là giờ mặc định
mọi nơi trong Sở thú đều có người. Tôi nghĩ về mặt nguyên tắc, khi họ định tưới
cây, chặt nhánh hay làm bất kỳ việc gì, thì việc đầu tiên là họ phải biết quan
sát, cảnh giới và có biện pháp phòng tránh nhằm tuyệt đối không để xảy ra sự cố
gây nguy hại cho khách tham quan (là những người khách hàng mang lại doanh thu
cho sở thú). Tôi còn chưa nói đến tâm trạng trở nên bất ổn và mất vui vì phải mặc
quần áo ướt sau đó, cũng như việc mất gần 30 phút lau chùi cái máy ảnh và tạm
ngưng sử dụng vì chờ cho nó khô hẳn.
Qua sự việc này, tự nhiên tôi nghĩ ngợi nhiều và muốn đề cập
đến thói ẩu tả, xuê xoa chủ quan và thiếu trách nhiệm trong khi làm việc của rất
nhiều người Việt.
Không phải tự nhiên mà bất cứ công việc gì dù lớn dù nhỏ cũng
đều cần có quy trình thực hiện. Nếu Bạn là người có tư duy khoa học, biết cách
làm việc cẩn thận, có ý thức trách nhiệm, và biết tiên liệu trước sự cố có thể
xảy ra, thì Bạn sẽ giảm thiểu nguy cơ có thể xảy đến cho bản thân và làm liên lụy
cho người khác.
Tại một nơi công cộng như đường phố, các công nhân cây xanh
phải lập hàng rào cảnh giới trước khi dùng cưa để tỉa cây mé nhánh. Khi Bạn phóng
xe đến một ngã tư, dù đèn tín hiệu vẫn đang bật màu xanh và đếm ngược còn 3, 4
giây nữa, và nhất là vì Bạn đang ở Vietnam thì Bạn phải biết chủ động giảm tốc
độ và quan sát hai bên đường trước khi băng qua, để chắc rằng không có một thằng
điên nào đó đang nhanh nhẩu cố vượt đèn đỏ và có thể đâm sầm vào Bạn.
Báo chí vẫn đăng tải về các tai nạn rùng rợn xảy ra ở các đường
dân sinh giao cắt với đường sắt. Không ít lần có những chiếc ô tô tải chở nặng
cố vượt rào chắn đường ray khi tiếng chuông cảnh báo vài giây nữa xe lửa sẽ lao
đến. Thói ẩu tả và chủ quan của các tài xế đó đã gây nên tai nạn chứ có ai khác
vào đây ?
Thói ẩu tả hay còn gọi là cẩu thả, làm việc gì cũng chủ
quan, thực hiện thì qua loa đại khái làm sao cho chóng xong công việc. Không
toàn tâm toàn ý với việc mình đang làm, bất chấp hậu quả, chất lượng và kết quả
cuối cùng.
Với thói quen chủ quan, họ nghĩ rằng thường ngày mình cũng từng
làm như thế, và thành công trót lọt. Lẽ nào lần này xảy ra chuyện gì? Lối suy
nghĩ ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa của tư duy ngắn hạn, lối sống thuần
nông kiểu tay làm hàm nhai lạc hậu lâu đời. Nói nôm na, ngày xưa người ta thường
suy nghĩ đơn giãn làm sao thì mặc làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi?
Tính cách này sẽ dần kéo theo sự trí trá, khôn lõi, ích kỷ và cả sự tham lam gian
dối nữa.
Với người bình thường, khi đã quen thói làm việc cẩu thả,
thì thường họ không có ý chí tiến thủ,không thích tự trau dồi kỹ năng và kiến
thức, sẽ không thể hoàn thiện đạo đức cũng như tự chấp nhận an phận với cuộc sống
mãi lẹt đẹt bần cùng. Còn đối với người quản lý có suy nghĩ chủ quan, tư duy hời
hợt, thì lẽ dĩ nhiên họ không thể có khả năng điều khiển công việc một cách
khoa học và thường thì họ khó chấp nhận thuộc cấp có năng lực giỏi hơn mình. Lẽ
đương nhiên bản thân họ sớm muộn cũng sẽ buộc phải dừng lại và bị đào thải trước
bước tiến thần tốc của thời đại.
Tôi nhớ ngày xưa, lâu lắm rồi, vào cái thời còn chưa biết điện
thoại cầm tay là gì của thế kỷ trước. Tại sao trong thành phố này, có những con
đường bền bỉ vài chục năm, những lề đường bằng đá xanh từ thời Pháp thuộc tồn tại
qua hàng thế kỷ. Mà nay, với công nghệ và sự tiến bộ của thế kỷ 21, thì những
con đường tỷ đô mới xây dựng lại nhanh chóng hư hỏng chỉ sau chưa tới 1 năm sử
dụng. Và đến năm nay 2020, tôi vẫn còn nhìn thấy kiểu vá đường ổ gà bằng tay
như lối tráng kẹo đậu phộng của thế kỷ 19.
Để rồi khi xảy ra sự cố thì không thấy ai dũng cảm đứng ra
chịu trách nhiệm. Họ tự bao biện, tự bào chữa và đổ cho những lý do vô thưởng
vô phạt. Đứng trước sự điều tra của nhà chức trách thì tìm mọi cách chống chế đỗ
thừa bởi vì tại bị, nguyên nhân hư hỏng là do thời tiết mưa bão, do xe chạy quá
nhiều. Trời đất ạ, đường làm ra là cho xe chạy chứ không lẽ để phơi lúa? Hơn nữa
xe muốn chạy thì phải trả phí chứ có được free đâu?
Và những người có trách nhiệm sẽ chối đây đẩy rằng không phải
tại anh mà cũng chẳng phải tại ả. Mà tại….ông trời xui khiến. Hahahaha.
Thật đơn giản như đang giỡn. Vì nguồn cơn của tất cả mọi
chuyện đều được bắt đầu bằng tư duy cẩu thả vô trách nhiệm, được chăng hay chớ.
Còn ngày trước, chỉ cần có cơ chế minh bạch và liêm chính, thì người ta buộc phải
toàn tâm toàn ý với bất cứ việc gì được giao.
Thói ẩu tả của người Việt phổ biến đến nỗi, ai cũng có thể
làm ẩu, nói ẩu. Chỉ có trách nhiệm là trốn thiệt. Chỉ đến khi không còn đường
chối cãi, thì họ mới bắt đầu ra vẻ thành khẩn và xin được rút kinh nghiệm. Lúc
đó họ bắt đầu ca bài ca con cá sống vì nước, đem xuất thân ra (nếu có) như một
lá bài tẩy để van xin được hưởng sự khoan hồng. Tất cả những thứ đó phác họa
lên một tầng lớp người thiếu tài năng, yếu kém bản lĩnh và khiếm khuyết cả nhân
cách đang gây ảnh hưởng xấu cho toàn xã hội.
Ai cũng muốn đất nước Việt Nam sớm tự hào sánh vai với các cường quốc khác trên thế giới. Muốn được như thế, phải bắt đầu từ ý thức của mỗi con người trong chúng ta. Một xã hội văn minh rất cần những người có tri thức, có tư duy khoa học, có lòng tự trọng và trên hết phải có trách nhiệm, toàn tâm toàn ý với công việc của mình. Ngày xưa người ta gọi nôm na đó là những người có lương tâm nghề nghiệp đó.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.