TÍNH TÙY TIỆN CỦA NGƯỜI VIỆT KHI THAM GIA GIAO THÔNG
Đường xá Saigon bây giờ không còn dành cho người đi ô tô mà yếu tim như
tôi nữa. Phải nói thật, sau này tôi thường xuyên sử dụng 1 chiếc xe máy
cũ xì để lưu thông trong thành phố này. Dù tôi chẳng hề thấy dễ chịu hơn
chút nào, ngoại trừ cái việc là tôi còn có thể di chuyển đến cái nơi
muốn đến.
Khi bạn đi làm vào buổi sáng trên con đường đông nghịt xe cộ, ngoài việc
phải chen chúc trong một rừng xe máy đủ loại, phải hít khói bụi từ
những con đường đang sửa chữa, hoặc ngổn ngang đất công trình do các
loại xe tải làm đổ vấy ra đường. Bạn còn phải chuẩn bị tư thế và đề cao
cảnh giác để nhanh chóng phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn, từ các loại ô
tô, xe bus, xe tải và cả xe container to đùng nữa, cứ như là thập diện
mai phục, họ sẵn sàng lao vào làn xe máy nếu không thấy bóng dáng của
cảnh sát giao thông, và đẩy những chiếc xe 2 bánh văng lên lề để chạy
cho nhanh, và đám đông người đi xe máy buộc phải vi phạm luật theo, nếu
không muốn xảy ra tai nạn cho bản thân.
Tôi nhớ ngày trước, cách đây khoảng hơn 15 năm. Trong một lần
đi công tác ở Singapore, chứng kiến người dân ở đây tuân thủ luật giao thông,
tôi hết sức kinh ngạc. Vì nơi đây chênh lệch múi giờ so với Vietnam 1 giờ, và
dân Singapore làm việc buổi sáng khá trễ, nên tôi dậy sớm mà chẳng biết làm gì,
ngoài việc lang thang dạo phố một mình.
Từ một khách sạn nhỏ trên đường Bencoolen, tôi ra đường đi tản
bộ chậm rãi xuống ngã tư giao nhau với đường Rochor Canal. 8h sáng ở đây mà trời
sớm sủa, cứ như 6h sáng ở Saigon (mà là kiểu vắng vẻ như Tết ở Saigon ngày mùng
1 ấy), đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng 1 chiếc ô tô chạy ngang qua trên đường
rộng thênh thang. Tôi thấy xa xa ở phía trước, có 1 người đi bộ. Gần đến giao lộ,
đã thấy ông ta đứng chờ tín hiệu qua đường. Dù lúc đó đường xá rất vắng vẻ và
không có một chiếc xe nào qua lại. Tôi đến gần, thấy đó là 1 người đàn ông lớn
tuổi, có vẻ là một người lao động bình thường. Nếu như ở Saigon, dù đang còn
đèn đỏ, người ta cũng bất chấp nguy hiểm vội vã len lõi giữa dòng xe ngược xuôi
để băng qua cho được. Hihi, dân Vietnam mình thật can đảm ha !???
Khi đèn tín hiệu cho phép qua đường bật sáng, tiếng bíp bíp
kêu như thúc giục, ông già chậm rãi bước qua. Đường phố vẫn vắng tênh, không một
chiếc xe qua. Tôi thì không qua đường theo ông ấy, mà rẽ trái dọc theo Rochor
Canal đi xuống giao lộ Bukit Timah.
Sáng nay tôi định đến thương xá Simlim Square để tìm mua vài
công cụ kỹ thuật, một ít linh kiện điện tử để phục vụ cho công việc của mình. Nhưng
trời vẫn còn sớm, chắc là phải đợi thêm 1h nữa, họ mới mở cửa. Nên tôi lại tiếp
tục….đi dạo.
Khi đi tới giao lộ với Selegie, thì tôi dừng lại….để ngắm cảnh.
Selegie là một con đường nhỏ băng qua Bukit Timah và Rochor Canal. Ở đây không
có đèn tín hiệu, chỉ có các kẻ vạch sang đường dành cho người đi bộ. Tôi vẫn đứng
trên lề, lơ đãng ngắm nhìn phố xá, mà không hề để ý rằng mình đang đứng gần đầu
vạch qua đường. Có khi mất gần cả phút, tôi mới chợt nhận biết có đến 3 chiếc ô
tô đang đậu nối đuôi nhau trước vạch kẻ từ phía trong Selegie chạy ra, họ dừng chờ
xem tôi có bước qua đường hay không??? Không một tiếng còi xe thúc giục, họ vẫn
đậu ở đó kiên nhẫn chờ đợi tôi (Đó là do họ nghĩ thế). Khi nhận ra mình là thủ phạm
của sự việc này. Tôi vội vã bước trở lui vô lề, và giơ tay ngõ ý xin lỗi. Những
chiếc xe từ từ lăn bánh, họ chậm rãi không chút vội vã.
Trời đất, tại sao mà người ta ý thức, lịch sự và tôn trọng
người đi bộ đến thế. Nếu mà ở Saigon, chắc tôi đã nghe tiếng còi xe phát ra inh
ỏi. À mà không, sẽ không có ai chờ đợi, vì tôi chưa băng qua, ô tô vẫn cứ chạy,
còn tôi đứng đó hay có qua đường hay không thì…kệ tôi. Ha ha ha.
Câu chuyện đã lâu, nhưng vẫn luôn là một bài học để lại ấn
tượng sâu sắc về ý thức công dân tại một quốc gia nhỏ xíu nằm ở phía nam bán cầu.
Tôi đã kể lại chuyện này cho các con của tôi nghe, cùng nhau cười vang chế giễu
cái sự hai lúa và lạc hậu của chính tôi khi đó. Nhưng các bạn biết không? Từ đó
đến giờ, tôi luôn tuân thủ luật giao thông đường bộ. Nếu đi bằng ô tô, thì luôn
luôn nhường nhịn người đi xe máy, và người đi bộ.
Ý thức công dân thể hiện kết quả giáo dục cho một con người.
Tỷ lệ người Việt Nam có ý thức khoảng được bao nhiêu phần trăm dân số. Thật sự thì
tôi không biết. Nhưng tại nơi công cộng và trên đường phố, tôi vẫn thấy nhiều
người không biết xếp hàng đợi đến lượt, hầu hết ai cũng cố gắng bon chen vượt
lên trước, tâm lý điền vào chỗ trống dường như trở thành quán tính, đó là lý do
gây nên sự lộn xộn, kẹt xe tắc đường. Người ta tiện tay xả rác, vứt tàn thuốc bừa
bãi khắp nơi công cộng. Nói năng bỗ bã ồn ào lớn tiếng tại những nơi cần yên
tĩnh. Những người giàu có thì thích thể hiện, cứ như đường phố là của riêng
mình. Rất nhiều xe công biển xanh, biển đỏ ngênh ngang, phóng nhanh vượt ẩu,
làm như họ có cái đặc quyền phớt lờ luật lệ. Chẳng thấy ai nhường ai, các bác
tài luôn tay bấm còi inh ỏi để cố vượt lên trước. Chúng ta nên gọi các hành vi
đó là gì? Nếu không muốn nói thẳng đó là tính cách tùy tiện vô nguyên tắc của
người Việt.
Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, tôi nghĩ hiện trạng giao thông
đã ở trên mức tồi tệ. Chắc tôi sẽ phải chôn chân hằng giờ một chỗ, hoặc là khỏi
đi luôn, nếu tôi cứ….nhường nhịn khi đang ở trên đường lúc kẹt xe và hỗn loạn.
Đường xá Saigon bây giờ không còn dành cho người đi ô tô mà
yếu tim như tôi nữa. Phải nói thật, sau này tôi thường xuyên sử dụng 1 chiếc xe
máy cũ xì để lưu thông trong thành phố này. Dù tôi chẳng hề thấy dễ chịu hơn
chút nào, ngoại trừ cái việc là tôi còn có thể di chuyển đến cái nơi muốn đến.
Khi bạn đi làm vào buổi sáng trên con đường đông nghịt xe cộ,
ngoài việc phải chen chúc trong một rừng xe máy đủ loại, phải hít khói bụi từ
những con đường đang sửa chữa, hoặc ngổn ngang đất công trình do các loại xe tải
làm đổ vấy ra đường. Bạn còn phải chuẩn bị tư thế và đề cao cảnh giác để nhanh
chóng phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn, từ các loại ô tô, xe bus, xe tải và cả xe container
to đùng nữa, cứ như là thập diện mai phục, họ sẵn sàng lao vào làn xe máy nếu
không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông, và đẩy những chiếc xe 2 bánh văng
lên lề để chạy cho nhanh, và đám đông người đi xe máy buộc phải vi phạm luật
theo nếu không muốn xảy ra tai nạn cho bản thân.
Người tham gia giao thông khi ấy có cảm giác như đang tham
gia một trận chiến, mà tất cả chung quanh là….kẻ địch. Họ sẵn sang cộc cằn la
hét, bấm còi thúc giục, và thậm chí có những trận ẩu đả nếu xảy ra va quẹt. Ai
cũng muốn vượt lên trước cho bằng được, phải đến được nơi cần đến, dù có thế
nào. Mọi thứ diễn ra chung quanh đều là,,,,chuyện nhỏ.
Nhan nhãn trước mắt bạn luôn diễn ra cảnh chạy xe lấn làn,
xe bus thường xuyên chiếm dụng làn xe máy trong khi vẫn bật xi nhan trái mà
không hề có ý định chuyển làn, trừ khi gặp….cảnh sát. Các thanh niên tổ lái xe máy
rất nhiệt tình phô trương tay lái lụa khi phóng vun vút trên làn ngoài cùng
dành cho ô tô, và cũng không hiếm lần xảy ra tai nạn kinh hoàng.
Tại các ngã tư, chúng ta thường xuyên chứng kiến các loại xe
2 bánh cố tình vượt đèn đỏ, sau khi đã ngó nghiêng không thấy bóng dáng cảnh sát. Thậm chí ngay
trong các ngày Tết, đường phố Saigon vắng
tênh vắng ngắt, người ta dù không bận rộn gấp gáp gì cũng hồn nhiên vượt đèn đỏ.
Bực bội nhất là khi giật mình tránh vội xe máy chạy ngược
chiều bên phải như muốn đâm sầm vào bạn, họ làm biếng đánh một cái đường vòng
đó mà. Các chị em luôn là nỗi ám ảnh cho
các bác tài khi họ có cái kiểu băng qua đường bằng cách lái xe băng chéo và ngược
chiều với bạn. Không hiếm lần tôi phải phanh xe dúi dụi vì đột nhiên thấy họ xuất
hiện trước mắt một cách bất ngờ.
Bạn có thấy cảnh xe Taxi ngang nhiên dừng đỗ bên trái đường
1 chiều để đón trả khách ngay trên làn dành cho ô tô không. Bạn có bao giờ giật
thót mình và vội vàng đánh lái sang phải để tránh vội các chướng ngại vật bất
ngờ này không? Haizzzz, họ có thể rề rà giữa đường với tốc độ….chỉ 5 km/h để kiếm….khách,
và làm bạn phát điên lên vì kiểu phớt lờ các xe chạy phía sau. Họ làm như đường
phố là của riêng họ.
Mấy anh tài xế Grab bike thì khỏi phải bàn. Họ xuất hiện mọi
lúc, mọi nơi. Họ từ hẻm xông ra đường chính không một lần cảnh báo hay cảnh
giác. Họ có thể quẹo cắt mặt Bạn để tấp vô lề đón khách. Họ có thể đột ngột xuất
hiện ngược chiều trước mặt bạn vì mãi bận tìm….đường mà bất kể luật lệ gì ráo.
Trên cao tốc, Bạn có từng giật mình khi nhìn thấy các xe ô
tô, xe khách, xe công vụ phóng vun vút vượt cả tốc độ giới hạn trong làn dừng
khẩn cấp một cách nguy hiểm hay không?
Haizzzz. Có 1001 cách vi phạm luật giao thông đường bộ.
Không kể hết nổi đâu. Ai cũng sẵn sàng vi phạm luật miễn là không nhìn thấy cảnh
sát xuất hiện đâu đó.
Tôi nhớ thuở nhỏ, khi còn học tiểu học, tôi đã phải học luật
đi đường, trong một cái môn học khô như ngói gọi là môn Công dân giáo dục. Ở bất
kỳ quốc gia nào, con người từ khi sinh ra đều phải được giáo dục để có thể trở
thành một công dân tốt. Song song với việc dạy dỗ đám con nít học làm người, luật
pháp còn đề ra các biện pháp rất hiệu quả để chế tài những ai vi phạm luật bằng
các hình phạt nghiêm khắc và thích đáng.
Việc xây dựng ý thức công dân phải bắt đầu từ nền tảng giáo
dục và chỉ có kết quả sau cả một thế hệ. Nó không chỉ là lời nói suông, hay là
chuyện chắt lưỡi cho qua, vì chẳng có chết thằng tây nào. Chỉ đến khi mọi người
đồng lõa với cái xấu vì làm ngơ trước những vi phạm. Chỉ đến khi làm chuyện xấu
mà lòng dạ không còn cảm giác xấu hổ nữa. Lúc đó không ai biết tương lai sẽ ra
sao khi cái xấu đã đạt tới cảnh giới cao nhất.
Ai cũng có danh dự và lòng tự trọng. Bạn có thấy ngượng
ngùng khi có hàng chục ánh mắt chê trách và coi thường nhìn về phía bạn khi bạn
vi phạm luật lệ hay không?. Bạn có lên tiếng phê phán cái xấu diễn ra trước mắt
mình không? Hay bạn không cảm thấy gì cả, vì ai cũng sẵn sàng phạm luật giống bạn.
Tâm lý ích kỷ, thỏa mãn bản thân trước tiên, phải hơn người khác mới chịu. Là thuộc
tính thích chơi trội của người Việt. Còn cái chuyện lên tiếng chê bai thì xin
miễn đi ha, Nói ra rủi nó uýnh mình sao?
Haizzzz ! sự vô cảm ngày càng khó chấp
nhận.
Tại Việt nam, các văn bản pháp quy đã khá đầy đủ. Gần đây,
nghị định 100 của chính phủ về việc phạt nặng hành vi lái xe sau khi đã có uống
rượu bia, tỏ ra hiệu quả và được dư luận hoan nghênh đồng tình.
Luật lệ thì đã có, nhưng một vấn đề khác cần nói đến, đó là
các biện pháp thực thi. Thật sự rằng rất khó thể tìm thấy người chấp pháp xuất
hiện khi có tình huống vi phạm diễn ra nơi công cộng. Tôi chưa thấy ai bị phạt vì
hút thuốc nơi công cộng, vì vứt rác bừa bãi trên đường phố? Điều khó xử này xin
dành cho các nhà quản lý nghiên cứu tiếp.
Thật sự có quá nhiều điều cần phải làm. Yêu nước đâu chỉ nói
bằng miệng. Mà phải bằng ý thức công dân, lòng tự hào dân tộc, lòng tự trọng của
bản thân. Hãy sống một cách văn minh khi bạn đang ở trong một thành phố lớn nhất
nước. Đừng để bạn bè quốc tế ngán ngẫm khi nghe nói đến tật xấu của người Việt.
Và bản thân cũng không còn thấy ngượng ngùng khi nhận mình là người Việt nam lúc
đang ở nước ngoài.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.