CON MỘT LÀ CẬU ÔNG TRỜI !
Chính sách hạn chế sinh đẻ của nhà nước từ những năm 1990 , cho phép mỗi
gia đình chỉ có tối đa hai con trong một thời gian dài khiến xã hội
hiện đại có nhiều đặc điểm khác biệt và bất cập so với các thế hệ trước
đó. Không thể chối cãi rằng việc kiềm hãm tăng dân số qua chính sách kế
hoạch hóa gia đình đã mang lại kết quả nhất định cho việc nâng cao đời
sống và phát triển kinh tế đất nước. Nhưng đồng thời nó cũng mang lại
những hệ lụy về mặt tâm lý và sinh thái của con người.
Dưới đây là một câu chuyện hư cấu nhưng dựa trên vài sự kiện có thật.
Tôi là dân Sài gòn, và được sinh ra trong một gia đình có đến
tám đứa con. Tôi vẫn nhớ như in, khi vừa sáu tuổi, thì dưới tôi đã có 2 đứa em
lóc nhóc và mẹ tôi lại đã….mang bầu. Lúc đó ba má tôi còn khá trẻ, sự nghiệp chỉ
vừa mới bắt đầu, tài sản chưa có gì nhiều, nhưng xem ra đường con cái thì cứ đều
đều hai năm một đứa, thỉnh thoảng sinh năm một. Hihi
Ba tôi là một người hiền lành, không chơi bời nhậu nhẹt, chỉ
biết công việc. Tính cách ông kín đáo ít bộc lộ tình cảm, và cũng không hay ngó
ngàng đến con cái, trừ những lúc cuối tuần đôi lần cũng chở tụi tôi đi chơi
lòng vòng thành phố, bằng chiếc xe máy Sachs 2 thì hiệu Goebel. Sau này tụi tôi
ra đông quá, không chở hết, nên cũng khỏi đi luôn.
Dù mới sáu tuổi, tôi vẫn là một thằng anh cả tí hon, chỉ huy
hai đứa nhóc và đảm nhiệm đủ thứ việc nhà, dĩ nhiên là theo sức của mình. Có những
buổi chiều, tôi phải hai tay xách 2 thùng nước bé tí từ giếng bọng gần nhà về đổ
trong lu trong những lần chị gánh nước mướn vì bận gì đó phải nghỉ một ngày.
Tôi nhớ có lần đang xách nước thì bị hai con ngỗng dưới xóm dọa nạt, nó đuổi
theo kêu cà kiếu cà kiếu và bập bập rúc cái mỏ vô háng, làm tôi vừa đau vừa sợ
phải bỏ chạy xiên xẹo với 2 thùng nước nhỏ đổ tung tóe trên tay.
Rất nhiều lần tôi phải giặt đồ phụ má. Mỗi lần giặt mùng mền,
bà sai tôi bước hẳn vào trong thau đồ, dùng hai chân mà đạp cho ra chất bẩn.
Tôi lấy làm vui thích khi được vọc nước xà phòng như thế.
Đâu chỉ vậy, khi má tôi vô nhà bảo sanh để đẻ em bé, thì tôi
kiêm luôn đầu bếp nấu cơm cho cả nhà. Thấy tôi lúc đó giỏi chứ nhỉ ?(không hiểu
sao chuyện nội trợ ba tôi lại không chịu làm).
Nhà tôi nằm trên một con phố mặt tiền, đầy những cửa hiệu. Bảo
sanh viện Cô Bảy chỉ cách nhà tôi mấy bước chân. Buổi sáng, tôi chạy qua đó, để
má đưa cho tờ giấy nhỏ có ghi những thứ cần mua. Sau đó tôi lững thững ra chợ,
chợ thì ở bên kia đường đông vui nhộn nhịp. Chỉ cần chìa tờ giấy cho mấy bà bán
thịt, bán rau và hàng chạp phô, là tôi đã làm xong nhiệm vụ. Mấy bà ngoài chợ đều
nhẵn mặt thằng nhóc biết đi chợ là tôi. Bà bán thịt ân cần hỏi: Má đi sanh em
bé rồi hả con?
Thật ra tôi cũng chẳng biết gì nhiều, má tôi dạy cách kho thịt
nạc lưng bỏ miếng tiêu, và luộc hành lá cho mấy bà đẻ như thế nào. Tụi tôi đều
bị ăn cơm theo chế độ sanh nở của má trong suốt thời gian bà nằm ổ. Vả lại tôi
cũng không biết làm món gì khác. Ngán cũng ráng chịu, chẳng có đứa nào mè nheo.
Mấy em tôi rất ngoan, biết mẹ bận em bé, nên tự chơi đùa với nhau, và cũng lớn
nhanh như thổi.
Thời gian trôi qua, khi tôi lên tới 10 tuổi, thì sau lưng
tôi đã có hẳn 5 đứa em nheo nhóc. Nói thiệt, tôi oải nhất cái vụ ẳm em (tức là
bế em đó). Lúc tụi nó còn bé tí, tôi phải phụ má ẳm ngửa cho nó bú bình , vì má
tôi sau này mất sữa. Có lần bà già sanh năm một, tôi ẳm em đến muốn gãy cả tay
và ẹo cả xương sườn, vì khi tụi nó lớn hơn chút, là tôi bế xốc nách, đi cà ẹo
cà ẹo.
Thưa các Bạn, tại sao tôi kể chuyện mười năm đầu đời của
mình. Thế hệ ông bà 40-50 năm trước, không hề biết cái vụ sinh đẻ có kế hoạch,
hình như họ không thể hình dung ra cái bao cao su nó là cái gì? Thế hệ đó thấm
nhuần cái câu tục ngữ “trời sinh voi sinh cỏ”.
Phương tiện giải trí chẳng có gì nhiều, ngoài cái ti vi. Cứ màn đêm
buông xuống, là họ làm cái chuyện phát triển giống nòi. Và cứ đụng vô là đẻ.
Khổ nổi, đẻ không cũng đủ mệt. Còn hơi sức đâu mà chăm với bẳm.
Đứa ra trước lo bế ẳm đứa ra sau. Thằng anh đút cơm cho con em. Còn ba má chúng
tôi chỉ nội lo sinh kế để nuôi một bầy con nheo nhóc cũng đã đủ mượt người. Nói
thiệt, tôi biết có gia đình tới mười mấy đứa con, ông ba còn không nhớ hết tên
tuổi mấy đứa nhỏ.
Ngày xưa, đi học đâu có tốn tiền. Cứ đủ 6 tuổi là vào lớp
năm (tức lớp 1 bây giờ á). Mạnh đứa nào đứa nấy đi học, nghe nói hỏng học lớn
lên đi bán vé số, nên mấy anh em tôi rất tự giác trong cái chuyện này. Nếu nhà
trường mà thu tiền kiểu như thời bây giờ, chắc tụi tôi nghỉ ở nhà hết quá ! Mà
có nghỉ, chắc ba má tôi cũng chẳng để ý. Hihi.
Trường học công lập nên không có thu bất cứ thứ tiền gì. Tụi
tôi cũng không biết cái vụ tặng quà thầy cô, vì hồi đó đâu có ngày nhà giáo
20-11. Chúng tôi hấp thu giáo dục từ nhà trường để biết cách làm người và trau
dồi học vấn. Ngoài ra, chẳng ai thèm o ép hay áp lực bọn nhỏ phải học như thế
nào. Chuyện học thêm thì miễn bàn, không nghe ai nhắc tới cái vụ đó.
Vậy mà 8 anh em tôi vẫn lớn lên và thành người đàng hoàng
trong xã hội. Dĩ nhiên không phải nhà nào cũng thế, nhưng hầu hết mọi người
trong thế hệ đó thì là như thế. Có thể những gia đình khá giả, giàu có sẽ khác
hơn, nhưng họ là số ít, tôi không tính đến.
Ở đây tôi chỉ phát họa vài nét chấm phá về diễn tiến từ lúc
chào đời của chúng tôi. Ngay từ lúc bé tí xíu, phải biết tự lực cánh sinh là
chính. Tôi rất biết ơn những thầy cô giáo đã dạy dỗ chúng tôi bằng tất cả lương
tâm nhà giáo của thời kỳ đó. Họ là cái nôi nâng đỡ cho chúng tôi trưởng thành
và thành người có giáo dục.
Ba mươi năm sau, đến thời tôi tập tành làm cha mẹ, thì mọi sự
đã khác. Ở thời đại này, thế giới quan của chúng tôi dần thay đổi. Xã hội phát
triển và hình thành những quan điểm sống mới mẻ. Con người ý thức trách nhiệm bản
thân sâu sắc hơn nhiều. Nói khác đi, tri thức giúp cách sống trở nên có mục
đích và ý nghĩa hơn.
Từ những năm 1987 - 1990, đất nước vừa chấm dứt thời kỳ bao
cấp. Để tập trung xây dựng kinh tế nhằm thoát khỏi sự nghèo khó sau chiến
tranh, chính sách chỉ cho sinh tối đa hai con được áp dụng. Sau khi lập gia
đình, tôi biết mình vẫn còn rất nghèo, nên cũng có trì hoãn việc sinh con.
Chính sách hạn chế sinh đẻ của nhà nước thật đúng ý với giới trẻ chúng tôi lúc
đó. Còn có quá nhiều việc phải làm, hơn là việc gấp rút bận rộn con cái.
Nhưng rồi việc gì đến thì cũng phải đến. Chúng tôi vui mừng
chào đón con trai đầu lòng khi tôi đã ngoài 30 tuổi. Tôi có ý nghĩ, thôi chỉ 1
đứa là đủ. Mình sẽ tập trung đầu tư nuôi dạy cho tốt.
Nói thật, tính tôi rất cưng con nít. Nên khi có con, tôi dồn
hết tình thương yêu vào nó. Ngoài công việc, tôi chỉ xoay vần quanh thằng ku dễ
thương bé xíu. Ngày xưa tôi từng chăm em một, thì bây giờ chăm con đến 10. Chắc
còn hơn thế nữa.
Thói đời nuông chìu quá sinh hư, thằng bé kén ăn và khó dạy,
dù tôi dành cho nó những gì tốt nhất có thể. Vậy mà thứ gì khi đưa đến miệng,
nó cũng ngoảnh mặt đi và nói hỏng thèm. Mỗi bữa ăn là một cuộc dỗ dành, năn nỉ,
và vất vả hằng giờ. Vợ tôi đã phải bỏ cuộc đầu hàng không tham gia vào cái trò
chơi này của hai cha con tôi.
Nó là cả vũ trụ và tương lai của tôi. Tôi nghĩ vậy. Từ sơ
sinh cho đến lúc biết đi, tôi luôn ở một bên con. Đến khi biết nói, rồi cho đi
mẫu giáo, tôi cứ lo sợ thấp thỏm khi thằng bé ở một mình, dù lúc đó nó đang ở
trường với thầy cô giáo, không biết có gặp chuyện gì bất trắc không ?.
Và cứ cái đà như vậy. Kiểu nuôi con của tôi, ngày càng cực
đoan. Ngoài giờ đi làm, tôi đưa đón nó đi học. Không cho thằng bé tiếp cận với
xã hội bên ngoài, tôi sợ nó sẽ học những điều không tốt chung quanh, sợ nó bị kẻ
xấu ăn hiếp. Bất cứ ai cũng không có cơ hội đụng đến một sợi lông chân của con
tôi đấy nhé! Cũng có lúc nghĩ lại, ngày xưa khi bằng tuổi con bây giờ, sao tôi
có thể…làm được bao nhiêu là việc? Trong khi giờ đây nó là một ông trời con của
riêng tôi, và chẳng biết cái gì hết.
Có vẻ như tôi đã dại dột tước đi cái bản lĩnh tự nhiên phải
hình thành trong một con người khi lớn lên, để nhào nặn con mình thành một công
tử bột (dù tôi chẳng giàu có gì hết). Năm 10 tuổi, khi chứng kiến bà vợ tôi mắng
mỏ và đuổi việc người làm, thằng con yêu quý của tôi đã phát biểu: Mẹ đuổi ô
sin rồi ai làm công việc nhà?
Tôi nói đùa:” Thì hai bố con mình làm há”. Nó lắc đầu nguầy
nguậy phản đối.
Tính tình chúng tôi hiền lành, nhưng sao đẻ ra thằng con
hung hăng quá ể. Nó dựa hơi ba mẹ, cà khịa gây sự với hầu hết đám con nít gần
nhà. Đứa nào cũng ngán thằng ôn con dữ dằn của tôi.
Không nhớ từ lúc nào, nó không còn chịu tôi đưa đón đi học nữa.
Con tôi dửng dưng ra mặt khi nghe ba má mắng mỏ dạy dỗ. Nó làm như chúng tôi
không hiện diện vậy đó.
Khi lên trung học, thằng bé chứng tỏ ý của nó là ý trời và
luôn luôn đúng. Khi giận dỗi, nó có thể hất đổ cả bát cơm, mà bà vợ tôi thì cứ
xuýt xoa xin lỗi vì lỡ làm phật ý con. Có lần, chính bả xông thẳng vào lớp học
hạch hỏi thầy giáo vì cớ gì dám phạt quý tử của mình, ông thầy cho biết thằng
bé đã đánh bạn cùng lớp xịt máu mũi trong giờ ra chơi, nhưng mẹ nó thì vẫn một
hai bênh vực và khẳng định ông con yêu quý không bao giờ làm điều gì sai trái nếu
không có lý do.
Mới 16 tuổi, thấy đám bạn con nhà giàu đi học bằng xe máy,
nó cũng về nhà chèo chẹo đòi mua xe cho bằng được . Tôi bảo con chưa đến tuổi lấy
bằng lái nên cương quyết không đồng ý. Tôi dần nhận ra mình đã sai lầm khi
nuông chìu con thái quá. Bây giờ tre già khó uốn, làm sao dạy dỗ được đây? Tôi
cảm thấy thất vọng cho chính bản thân mình.
Có lần bắt gặp nó phì phèo hút thuốc, tôi ngăn cấm và la mắng,
nó vênh váo hỏi ngược lại:”Bố cũng hút thuốc nhã khói như khói tàu mà còn ngăn
cấm ai?”. Thiệt hết nói nổi.
Chuyện xấu ập tới ngày càng nhiều. Bản tính thích đua đòi,
ham tụ tập chơi bời ăn nhậu gái gú, học hành thì lười nhác chảy thây. Chuyện
thi rớt đại học là việc đã biết trước. Dù biết sự tình sẽ đi đến kết cục đó,
nhưng tôi vẫn đau khổ không để đâu cho hết. Bây giờ nó bỏ ngoài tai mọi lời khuyên
nhũ, năn nỉ ỉ ôi của cha mẹ. Dưới mắt nó, chúng tôi chỉ còn là sự phiền toái mà
nó không mong muốn. Vào một trường trung cấp như việc phải làm, nó càng sa đà hư
hỏng ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.
Rồi một ngày, đứa con một mà tôi đặt vào đó bao nhiêu hoài
bão đã bị công an còng tay trong một lần quay cuồng ở vũ trường, với tang vật
là ma túy cất giữ trong người. Khi nhìn thấy tôi ở đồn cảnh sát, ông con tôi vẫn
dững dưng không lộ chút cảm xúc.
Tôi biết chính chúng tôi đã tự tay làm mất đứa con. Điều đó
có nghĩa là đã đánh mất tương lai và niềm vui khi về già của mình. Nhưng làm
sao khác được, chính kiểu giáo dục đầy cảm tính và mê muội đã khiến con tôi ra
nông nỗi đó. Trách ai chứ? Chỉ còn biết tự dằn vặt bản thân mà thôi.
Thưa các Bạn, kinh nghiệm là một việc, nhưng ước muốn và thực
hành lại là một việc khác. Chẳng ai muốn con mình vất vả cực khổ như quá khứ
mình đã trãi qua. Ai cũng lo lắng và cảm thấy bổn phận làm cha mẹ thì phải bảo
vệ con mọi nơi mọi lúc. Ai cũng nhịn ăn nhịn mặc nhường phần ngon nhất cho con.
Và dù con bạn đã trên 30 tuổi, thì dưới mắt bạn nó vẫn là thằng ku yêu quý bé bỏng
của Bạn năm nào.
Nhưng thương con là một chuyện, cách dạy con lại là một chuyện
khác. Bạn sẽ phải trả giá nếu bạn sai lầm vì mù quáng, nếu bạn tin vào sự tự
giác của một đứa trẻ thiếu ý chí. Bạn phải hiểu một điều cơ bản, đừng dạy con sự
ích kỷ, nó là nguồn cơn mọi hư hỏng sau này. Đời nay không như ngày xưa, dẫn dắt
con bước qua muôn trùng điều tốt xấu không bao giờ là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi
kiến thức và sự tỉnh táo.
Trong thời hiện đại, dù chính sách 2 con đã nới lỏng do tình
trạng già hóa dân số, thì việc chỉ sinh con một đã không còn là chuyện hiếm nữa,
nếu không muốn nói là quá nhiều gia đình chỉ có 1 con. Người phụ nữ thời nay rất
ý thức về bản thân. Họ không muốn sinh nhiều con, vì chẳng ai mong nhan sắc bệ
rạc do sinh đẻ nhiều. Các cặp vợ chồng trẻ dành phần lớn thời gian cho công việc,
sự nghiệp và hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn là ý muốn sinh thêm con thứ 2, thứ
3.
Ngoài ra còn phải đề cập đến các hiện tượng khác đang phổ biến
ngày càng nhiều trong xã hội cũng gây ra tình trạng con một. Thời hiện đại, nhiều
phụ nữ thành đạt không muốn lập gia đình, nên trở thành bà mẹ đơn thân (single
mom) muốn có một con để an ủi khi về già. Rồi hiện tượng yêu nhanh cưới vội cũng
làm cho nhiều đôi vợ chồng trẻ li thân, li dị chỉ sau một thời gian ngắn chung
sống và có một con chung.
Chưa cần nói đến việc chênh lệch giới tính do quan niệm á
đông “trọng nam khinh nữ” cổ hủ. Thì việc lệch lạc tâm lý trong hành trình nuôi
dạy đứa con độc nhất, mà bậc làm cha mẹ nào cũng xem đó là bảo vật của mình. Vô
hình trung, chúng ta đang tạo ra cả một thế hệ ông trời con, ích kỷ và lạnh
lùng hơn các thế hệ cha ông trước đó. Vì mặc định chúng được cha mẹ xem như cái
rốn của vũ trụ ngay khi lọt lòng. Trẻ thơ như trang giấy trắng, Bạn hãy nắn nót
viết vào đó những điều tốt đẹp. Hãy cho chúng phát triển theo cách tự nhiên nhất,
dựa trên đạo đức cơ bản của một con người.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.