ĐỌC THƠ XUÂN HỒI TƯỞNG TẾT XƯA
Sáng nay mùng một Tết. Trong không khí tĩnh lặng của một sớm đầu năm, tôi xin gửi đến mọi người vài ý tứ tản mạn khi đọc lại vài vần thơ xuân xưa cũ, cứ coi như một lời chúc Tết vụng về nhưng rất chân thành. Cầu mong năm mới sẽ mang đến mọi điều an lành hạnh phúc.
Ngày xuân đọc thơ cũ, chắc không phải để nuối tiếc về những gì đã mất, mà để hồn bảng lảng nhớ về một thời tuổi trẻ bâng khuâng rung động trước những vần thơ tuyệt tác mà tôi được nghe, được đọc thuở đầu đời.
Có thể người trẻ tuổi thời nay khó đồng cảm với ý tứ văn chương của thế kỷ trước vì tư duy và lối sống quá khác biệt. Nhưng với tôi, mỗi lần đọc lại thơ xưa, tim tôi chưa bao giờ ngưng bồi hồi vì một thời đã xa xôi lắm.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
(Thơ Vũ Đình Liên)
Năm 1936, nhà thơ Vũ Đình Liên đã mượn lời bài thơ Ông đồ để thương cảm cho “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Ý ông muốn nói đến thời phong kiến đã qua, nghĩa là thời vàng son của các cụ đồ nho đã xảy ra từ trước đó lâu lắm. Lúc ấy các ông đồ thật thì vẫn còn đấy, nhưng sự trọng vọng đã lùi xa vào quá khứ, chỉ còn lại dáng vẻ hiu hắt đầy tiếc nuối.
Nhưng 86 năm sau (tức là gần một thế kỷ) thời hậu thế của chúng ta phục dựng hình ảnh ông đồ trong các hội xuân để nhắc nhau rằng mùa Xuân đã đến. Dù thời nay chỉ có những ông bà đồ tân thời, thảo chữ Việt kiểu thư pháp cầu kỳ trên giấy bìa cứng màu đỏ. Đó là tưởng nhớ hay tôn vinh hình bóng cũ, có lẽ đúng và cũng không hẳn đúng, chắc chỉ là để hoài niệm và nhắc nhỡ lũ con cháu mơ hồ hình dung rằng đã có một thời xa xưa người ta ăn tết như thế.
Khi người ta hồi tưởng, nghĩa là người ta nhớ nhung về những điều đã mất. Hình ảnh ông đồ cho chữ với cành đào, mưa phùn gió bấc không phải là hình ảnh của đất phương nam. Mà chỉ là ký ức của tôi về một bài thơ đẹp được đọc thời thơ ấu. Lời thơ khắc họa trong tâm trí tôi về những kỷ niệm thiêng liêng ấm áp khi xuân về năm cũ.
Nói đến Tết Việt Nam thì không thể thiếu Chợ Tết. Chợ Tết xưa và chợ Tết nay là cả một trời khác biệt. Ngày nay người ta có thể ngồi nhà đi chợ, và mua được không thiếu thứ gì. Nhưng vài chục năm trước, chợ Tết không chỉ là nơi mua bán, mà như một lễ hội du xuân. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ miêu tả chỉ vài nét mộc mạc đơn sơ đã vẽ lên cảnh chợ Tết trong trẻo như một bức tranh thủy mạc.
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Không hiểu sao, khi đọc lại bài thơ tả chợ tết của nhà thơ tiền chiến Đoàn Văn Cừ viết năm 1939, tôi luôn mỉm một nụ cười vì những chi tiết rất chân quê nhưng không kém phần hóm hỉnh và ý nhị.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy loc xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Buổi chợ tết diễn ra sinh động, cảnh mọi người mua bán thưởng ngoạn không khí Tết qua ngòi bút của tác giả, tôi thấy toát lên sự thanh bình, chậm rãi, đáng yêu. Đọc thơ mà thấy tâm hồn vừa bình an vừa rộn rã gợi nhớ quá khứ bình dị đầy yêu thương như khi ta xem một bức tranh Đông Hồ.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô
Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẫm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu
Áo cụ Lý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đương chit cũng tung ra
Lũ trẻ con mãi ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà sống mào thâm như cục tuyết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem
Cả một khung cảnh chợ Tết vùng quê được phác họa tỉ mỉ cùng với quan sát tinh tế và cũng vô cùng hài hước của tác giả. Dĩ vãng hiện lên cả một trời xuân thấm đẫm văn hóa truyền thống của người Việt.
Ngày xưa ông Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh ông đồ bên câu đối đỏ để cảm thán về một thời đã qua. Lời thơ như một bức vẽ hiện thực, nhưng cũng trĩu nặng triết lý và sự hoài niệm. Trong khi đó nhà thơ Đoàn Văn Cừ thì vô tư hơn, ông chỉ ghi nhận lại hơi thở cuộc sống xảy ra trước mắt mình bằng cả sự rung động trước vẻ đẹp tinh khôi trong trẻo nơi một làng quê vùng Bắc bộ. Lời thơ vang lên như tiếng cười khúc khích của một cô thôn nữ duyên dáng. Thế nhưng bây giờ tôi lại nhắc về những bài thơ này như một hồi tưởng về cuộc sống nhẹ nhàng thanh tao của người đời xưa, như một lời chúc tết cũng xưa cũ theo phong vị truyền thống :”Đầu năm đọc thơ Xuân” cho tâm hồn lắng xuống những u uất từ bụi trần gian qua bao tháng ngày mưu sinh, để hồn thanh thản trong một sớm mai xuân, để nhớ lại tiền nhân đã làm nên những gì cho chúng ta thừa hưởng. Và bài viết ngắn này như một dư vị ngậm ngùi nuối tiếc vì thời nay không sao có được những áng thơ văn nên thơ tuyệt tác đến thế trong một cuộc sống bộn bề hối hả thực dụng đến đáng sợ của ngày nay..
Một lần nữa, chúc mọi người một mùa xuân đoàn viên đầy hứng khởi và hạnh phúc.
Mùng một Tết Nhâm Dần
Saigon, Ngày 01/02/2022
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.