KHI U70 TRÚT BẦU TÂM SỰ
Chào các Bạn !, bài đọc này dành tặng cho các ông già bà lão từ U50 trở lên. Kể cả đám con nít cũng nên nghe để thông cảm cho người già cô đơn sức yếu. Đừng vội bỏ qua các Bạn nhé! Thói đời, khi người trẻ tuổi bốc đồng lỡ làm chuyện gì đó có vẻ khác thường, nghịch lý thì dư luận ít để ý và cũng sẵn sàng bỏ qua. Nhưng với những người cao niên nếu lỡ gây nên điều trái lẽ thông thường, thì họ sẽ phải hứng chịu miệng đời dèm pha soi mói, có khi là sự sỉ nhục đầy xúc phạm và độc ác. Định kiến của xã hội luôn là sự ràng buộc về mặt trách nhiệm đạo đức và cách sống, nhưng đôi khi nó trở thành con dao hai lưỡi có thể tàn phá số phận một con người nếu bị kẻ xấu lợi dụng.
Mùa Tết năm nay tiết trời se lạnh hơn mọi năm, tạo nên thứ không khí rộn ràng khiến mọi người lại càng nao nức đón chờ một năm mới sắp đến. Thời khắc giao mùa làm chúng ta nhung nhớ nhiều hơn về kỷ niệm, và cũng nghĩ ngợi băn khoăn cho một tương lai chưa thể đoán định còn đang ở phía trước.
Dù vất vã mưu sinh và chống chọi với dịch bệnh chưa biết ngày kết thúc thì mọi người cứ phải lạc quan để sống chứ !. Và theo thông lệ, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng vui vẻ hồ hởi để sẵn sàng trao nhau câu “Chúc mừng Năm mới”.
Thật ra thì trong thâm tâm những người lớn tuổi có phấn khởi như cử chỉ họ biểu hiện hay không? Điều đó cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, tâm trạng, sự bình an và sức khỏe của họ.
Mỗi một lần tết đến, đối với tuổi trẻ “Ăn chưa no, lo chưa tới” thì ăn mừng cũng phải thôi. Nhưng với những người già, thì đoạn cuối hành trình cuộc đời của họ càng ngắn bớt đi một tuổi. Nói buồn thì chưa hẳn, vì đâu có ai tránh được quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử”, nhưng cho là vui thì cũng khó lòng mà nói vậy. Hoàng hôn của cuộc đời rồi mà phải đón xuân sang nghe cứ trái khoáy thế nào ấy !
Người già khi buồn thì tự mình biết, nhưng ngoài mặt vẫn cứ phải hòa chung niềm vui với mọi người. Đã là người trên trước thì phải biết trầm tĩnh che giấu cảm xúc tiêu cực bên trong, đâu thể hồ đồ bộc lộ cho con cháu nó lo lắng chê cười. Khi nào hết biết kìm nén thì chắc đã tới hồi xuống lỗ. Khổ vậy đó.
Để lấy chuyện tôi ra làm ví dụ cho các Bạn nghe. Dĩ nhiên là tôi cũng đã qua cái tuổi trung niên, đang lập cập bước lên lão. Mọi thói quen hằng ngày dần dà thay đổi theo kiểu chậm mà chắc. Chắc cái kiểu này là chắc…chết đó nhé ! Điều dễ thấy nhất là cái phong cách đi đứng trở nên lọ mọ lù khù mà người quen lâu ngày gặp lại cũng sẽ thấy khác lạ. Cách nói năng cũng thay đổi từ sự hoạt bát nhanh nhẩu trở thành chậm rãi lắp bắp từ khi nào không biết. Ngay như bà vợ tôi dù chẳng nhỏ tuổi hơn bao nhiêu, cũng đã thường xuyên châm biếm chỉ trích : “Lúc này làm gì cũng rề rà chậm lụt quá đó ông già !”, à quên trong câu nói của bả cũng bỏ đâu mất tiếng “Anh ơi” ngọt xớt ngày nào mà thay bằng cái từ “Ông” gọn lỏn với giọng điệu dửng dưng nghe… thấy ghét. Cứ làm như già là một cái tội vậy đó.
Tuổi già ập đến thật bất ngờ, những thành tựu trong cuộc sống dường như bắt đầu tan biến. Ngày trước tôi đi đứng nhanh nhẹn theo cái kiểu mà tôi vẫn cho đó là tác phong công nghiệp, còn giờ thì lúc nào cũng lệt bệt từng bước như đi dạo công viên, vì gắng sức một chút đã thấy hụt hơi muốn thở dốc. Mắt mũi trở nên kèm nhèm nên nhìn mọi vật cứ mờ mờ ảo ảo kể cả khi có đeo kính. Đã hết rồi cái thói phóng xe ào ào của ngày xưa, vậy mà mới đó đâu có lâu lắc gì, tôi còn đua tốc độ với đám lái xe nóng đầu trên cao tốc đó chứ. Haizzz, chẳng qua là do cái cảm giác tự nhiên thấy ớn ớn khó tả được. Không biết từ lúc nào tôi trở nên thận trọng và nhát chết một cách kỳ cục. Vận may trong chuyện làm ăn cũng hiếm hoi dần theo cái sự so đo tính toán vì e ngại đủ điều làm tôi vuột mất nhiều cơ hội. Dĩ nhiên tiền kiếm được cũng tỷ lệ nghịch với tốc độ lão hóa chết tiệt này.
Nói tới cái vụ tiền bạc cũng làm mình đau nhói trong tim. Thực tế phủ phàng sẽ khiến ta thấy đau lòng. Lúc còn làm ra nhiều tiền thì còn quyền lực trong nhà, ai nấy kiêng dè kính nể, bạn bè đối tác hết lòng trân trọng. Khi già lão hom hem hết thời lợi dụng, mở miệng nói con cái không nghe, vợ chồng lợt lạt khi dễ, bạn bè lẵng lặng bớt dần lui tới. Đó là còn chưa nói đến chuyện ăn bám con cái đó nhé, cái thứ gọi là lòng tự trọng cũng khiến tuổi già thấy bất lực khốn khổ vô cùng.
Tệ nhất là cái chuyện phòng the khó nói, lượng Testosterone suy giảm kéo theo hội chứng trên bảo dưới không nghe, khiến bà vợ hồi xuân của tôi thường xuyên nhăn nhó giận dỗi khi thấy tôi xuống cấp phong độ, vì khởi động quá ì ạch nhưng lại kết thúc thì nhanh không tưởng.
Nói các Bạn thông cảm, mấy chị em phụ nữ giờ gặp mình cứ toàn tôn xưng là chú với bác không hà. Họ dựng hẳn một cái ranh giới không cho một cơ hội nào để vượt qua nữa. Thậm chí có nhiều bà mắt xanh mỏ đỏ cưa sừng làm nghé chỉ kém mình vài tuổi mà cũng bác cháu nghe phát bực.
Lúc đó mới thấy tiếc đời. Nhớ ngày xưa bao em gái xinh tươi vây quanh tha hồ chảnh chọe. Vậy mà giờ đây chỉ còn có mỗi bà vợ già cũng đang bày đặt lên mặt kênh kiệu với mình. Thời hết rồi đành chịu thôi sao ? Phải có cách gì chứ hả? Haizzz, thiệt là chán !
Đã vậy, bao nhiêu dấu hiệu bệnh tật cũng rùng rùng kéo tới. Nào là huyết áp, tim mạch, tiểu đường, loãng xương, rụng tóc v/v… Nó làm tôi thấy chất lượng sống của mình như đang hiển thị trên đường tiệm cận trục hoành của biểu đồ Hyperbol ở cái đoạn Minimum thì phải.
Ôi cái thời oanh liệt nay còn đâu. Từ một kẻ tự tin nhạy bén, ngang tàng xấc xược bỗng dưng biến thành một lão già ủ rũ thường xuyên mang tâm trạng buồn chán, trầm cảm, tự ti vì bản thân trở nên bất lực trước sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực mà không có cách nào chặn đứng.
Mấy thằng con nay đã lớn khôn, luôn tinh ý dành hết những việc nặng nhọc khi thấy tôi định làm. Chúng bảo: “Bố cẩn thận, coi chừng quá sức. Nguy hiểm !” Đã vậy Bà vợ sồn sồn của tôi còn thường xuyên đế thêm câu chế giễu: “Già rồi, để dành hơi đi ông ơi, cố quá coi chừng quá cố đó Pa !”.
Giờ thì tôi bắt đầu thấm thía và hiểu ý nghĩa cuộc đời khi con người ta bắt đầu trôi qua bên kia đỉnh dốc. Bổng nhiên tôi cảm thấy ưa thích sự vắng vẻ tĩnh mịch để có thể thoải mái chiêm nghiệm nhiều hơn về mọi thứ. Hình như có một chuyển biến không ngờ mà Bà vợ tôi là người nhận ra rõ nét nhất: “Càng già ổng càng trở nên hiền lành và nhu mì hơn thì phải.” Và bả cười hăng hắc khoái chí khi thấy cuộc đời đã thành công trong việc thay bả hoàn toàn đè bẹp thằng chồng ngông ngênh thủa trước của mình. Hahaha…
Đâu chỉ là chuyện quanh ta, tôi thực sự ức chế khi thấy sự nhìn nhận của một thành phần không nhỏ trong dư luận xã hội và thậm chí ngay cả nhiều thể loại không não được gọi là truyền thông khi nói về cuộc sống của người già cũng có nhiều lệch lạc, hết sức cực đoan, đầy định kiến. Tôi nghe rất nhiều lần những câu châm chọc “Già mà còn ham”, “Già mà không nên nết” hay “Già mà không biết an phận”…v/v… để chỉ trích, đánh giá khi có kẻ cao niên lỡ gây nên những việc người trẻ vẫn thường làm thì không ai dè bỉu. Có lẽ đối với họ, đã già thì sẽ đeo thêm một bản án và chỉ có …chờ chết thì phải?
Về cái khoản này thì tôi hoàn toàn ngưỡng mộ văn hóa Mỹ và ganh tỵ với mấy ông tổng thống cờ hoa già cấc bảy tám chục tuổi nhưng vẫn có vài chục triệu fan cuồng hâm mộ.
Tôi có một ông bạn thân lâu năm, tôi già thì ông ấy còn già hơn nhiều. Hôm mùng ba Tết, hai anh em gặp nhau tâm sự. Tôi hỏi ổng: “Anh Tư, năm mới hỏi anh câu này, ngày càng lớn tuổi anh có thấy buồn không?”
Ông ấy nhìn tôi cười: “Làm gì buồn? Năm nay tui vừa tròn 70 tuổi. Nhân sinh thất thập cổ lai hy, người được bảy chục niên kỷ xưa nay hiếm. Nói thiệt cho đến lúc này, tui cũng không biết điều đó làm tui nên vui hay buồn nữa. Nhưng thú thiệt, lòng tui vẫn thấy vui vẻ thoải mái như thường.”
Tôi lại hỏi: “Vậy anh có thấy bất tiện và bực bội như tui không?”
Ổng cười hê hê: “Dĩ nhiên là bất tiện và bực bội lắm chứ. Nhưng có thay đổi được gì không? Chắc chắn là không rồi, ngày càng tệ hơn thì có. Vậy thì cứ thuận theo ý trời mà sống thôi. Chắt chiu từng ngày còn lại, đừng để lãng phí thời gian như thời còn trẻ nữa. Cũng may, già cũng có giá trị của già, người ta nói gừng càng già càng cay. Chú em không nhớ sao?
Tôi trầm ngâm: “Thật ra thì tui cũng biết, nhưng anh hãy kể về kinh nghiệm già của mình cho tui nghe đi.”
Ông Tư bắt đầu kể chuyện với cái giọng trầm trầm nghe rất triết lý: “Cuộc sống của một ông lão bảy chục tuổi thì cũng không có gì nhiều để kể, nhưng bất hạnh thay dù cho thân thể bị lão hóa theo thời gian, nhưng tâm hồn tui thì vẫn còn nguyên si hà. Cái đầu của tui vẫn cứ suy nghĩ vẫn vơ về mọi thứ, còn tâm tư thì vẫn còn nhiều ức chế sân si, cái miệng hay nói đâu có chịu xì tốp về bao điều rắc rối vẫn đang xảy ra trên đời này.
Nếu ai hỏi tui sống qua hai phần ba thế kỷ, cụ có thấy cuộc đời ô kê chứ? thì thiệt tình là tui không hiểu họ muốn hỏi tui cái gì OK?. Cuộc sống bao gồm đủ mọi thứ trên đời, OK cái giống gì thì phải hỏi cụ thể. Với lại gọi tui bằng….cụ thì tui hỏng có ưa đâu á. Mà hỏng hiểu sao đám trẻ cứ khoái gọi mình như dzậy mới tức chớ”.
Im lặng một lúc, ổng nói tiếp: “Nếu hỏi tui cả đời có điều gì ân hận không? Thì tui dễ nói hơn. Thú thiệt có quá nhiều thứ để hối tiếc đó chứ. Chú em có nhớ ngày xưa mình đã từng làm điều gì lầm lỗi không? Hình như càng về già, mình lại càng hay hồi tưởng quá khứ, nhớ cả cái chuyện thuở còn mặc quần thủng đít, hay bị bà già phạt quỳ gối ở truồng vì cái tội phá phách như quỷ. Có những chuyện sai trái khiến mình cứ hối hận mãi không thôi. Nghĩ tới nghĩ lui rồi cảm thấy xấu hổ vô cùng với lòng mình. Phải chi ! Haizzz, hai cái từ phải chi chết tiệt đó. Chắc chắn nếu chuyện xưa đó xảy ra lúc này, thì mình sẽ không để mắc phải lỗi lầm tương tự.”
Đột nhiên ổng đổi đề tài qua chuyện tình cảm ủy mị: “Chú biết không, nhất là trong cái chuyện tình yêu. Hồi trẻ cứ nhìn thấy gái đẹp là mê. Khổ nỗi cái máu dê nó kèm theo cái tính bội bạc mau chán. Sao hồi đó mình nông cạn thế chứ. Giờ nghĩ lại thấy thương cho bà lão nhà mình. Cả đời chịu đựng cái thói trăng hoa của thằng chồng mất nết. Nhưng khổ nổi, bây giờ biết quay đầu là bờ, bả vẫn còn ôm một mối căm hận mà không hề muốn hòa giải. Chỉ còn cái đó tui không biết phải làm sao cả. Hết thời gian để sửa sai rồi”.
Thấy không khí trở nên ẩm ương bất ngờ, tôi hỏi đại một câu: “Vậy theo anh là mình cứ cam phận già yếu cho người đời kính nể đó hả?”
Ổng vỗ vai tôi: “Nói bậy nè. Sao phải thế. Mình cứ suy nghĩ theo trí hiểu biết của mình, cứ sống như mình có thể sống và cố gắng sống tốt hết mức có thể. Còn ngoài ra thì cần gì biết thế gian nghĩ gì về mình. Trâu già đếch sợ dao phay. Chú hỏng nhớ sao? Hahaha
Mà kể cũng lạ, lắm người già mà hỏng chịu mình già. Làm như nói ra cái vụ tuổi già sức yếu thì xấu hổ lắm vậy. Làm như già là một cái tội, rồi khi ra đường thì lại muốn mọi người kính lão đắc thọ. Nhưng nghe ai bảo mình già, thì lại đùng đùng tự ái.
Tui ví dụ có một thằng ngốc vừa nẹt pô vừa bóp còi inh ỏi phía sau lưng khi tui đang chạy xe rề rề trên đường. Nó gầm gừ khi vọt ngang qua xe tui: “Già cả rồi ở nhà đi, cản đường bực quá !”. Tui hiểu rằng có một bộ phận không nhỏ người trẻ rất nông cạn và coi thường người cao tuổi, và cũng chợt nhớ ra hồi xưa còn bé chính mình cũng trẻ trâu y hệt. Vậy còn nói gì ai?
Đó là vấn đề thuộc về trình độ nhận thức và giáo dục. Mình thì không thể thay đổi thế giới, mình chỉ có thể cố gắng tự hoàn thiện bản thân, để trở nên tốt hơn. Để sống có ích và có ý nghĩa nhất trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Điều quan trọng là hãy để tâm bình thản, an vui trong bất kỳ tình huống nào. Được như thế, khi ông bà gọi, chú sẽ thoải mái ra đi mà không còn chút gì hối tiếc. Tui nói vậy chú nghĩ có phải không?”
Tôi im lặng, nhưng hoàn toàn đồng tình với ông bạn già. Hai chúng tôi còn trao đổi về đủ thứ chuyện trên đời. Tôi cảm thấy kính phục ông Tư có một triết lý sống đáng cho mình học hỏi.
Ngoài kia, mùa xuân đang đến. Tôi đã hiểu mình đừng bao giờ bỏ qua những khoảnh khắc quý giá của năm tháng còn lại, cần phải biết sống một cách ý nghĩa và bình an nhất có thể.
Nhân dịp năm hết Tết đến, tôi muốn gửi đến các bạn trẻ vài lời nhắn nhủ: “Người già cũng là người, có thể họ vẫn rất muốn cố gắng làm được những điều mà ngày xưa họ vẫn từng làm mà bây giờ thì không thể. Khi có tuổi, cuộc sống của họ có thể trở nên cô đơn hơn trước rất nhiều. Đó là chưa nói về những tình cảnh nghèo khó, bi đát và bệnh tật mà họ có thể mắc phải. Dù sao cũng phải công bằng để hiểu rằng họ đã từng dùng cả tuổi thanh xuân nuôi dạy con cái, gầy dựng sự nghiệp và cống hiến ít nhiều cho xã hội. Hãy suy nghĩ thoáng hơn về những định kiến xưa cũ lạc hậu có thể gây áp lực lớn vào cuộc sống ít ỏi còn lại của họ, hãy thông cảm nhiều hơn về những phiền toái gây nên do sự già nua mà họ không hề mong muốn. Hãy biết rằng giá trị của một người cao tuổi có thể lớn hơn của một người trẻ nhiều lần. Đây là điều giới trẻ ít muốn nghe khi tranh luận về phạm trù mới và cũ. Nhưng có một điều chắc chắn, tuổi già là đoạn đường mà bất cứ người nào cũng phải bước tới, không chừa ai. Kể cả Bạn. Hãy tập chấp nhận sự thật phủ phàng đó.
Mùa xuân đang hiện diện quanh ta, xin chúc mừng năm mới tất cả mọi người. Chúc các Bạn ăn Tết vui vẻ, các Bạn nhé !
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.