BA MƯƠI THÌ ĐÃ LÀ TẾT !

Người ta hay bảo năm mới thì nói chuyện cũ, vậy chúng ta tám chuyện phiếm về Tết là đúng rồi ha mọi người ! Bài viết ngắn này nhằm nhắc lại những cái Tết của một thời để nhớ. Nghe cho vui chứ không nhằm tranh cãi hay tìm kiếm chân lý gì hết nghe bà con.


 

Trong cuộc sống thường ngày chúng ta vẫn thường nghe câu nói cửa miệng “Ba mươi chưa phải là Tết”, ý nói lúc thực hiện một kế hoạch hay đơn giản là làm một việc gì đó, khi chưa đến đích để thấy kết quả cuối cùng thì cũng chưa nắm chắc sẽ thành công trọn vẹn. Thật ra cái vụ hố hàng này xảy ra hơi bị nhiều. Nhất là với nhiều người có tâm lý tự mãn, chủ quan, lơ là, khinh địch phải chịu thất bại vào những giây phút tưởng chắc mẫm đã nắm chắc phần thắng trong tay. Vì trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, rủi ro là cái thứ hiểm họa có thể bất chợt xuất hiện cản trở bạn đến đích vào lúc không ngờ nhất. Câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết !” nhắc nhở chúng ta hãy luôn cố gắng và nỗ lực cho đến khi đạt được thành quả mỹ mãn, đừng vội nản lòng dù có gặp hoàn cảnh nào đi nữa, đừng dương dương tự đắc khi chưa đến giây phút cuối cùng. Tui hoàn toàn tán đồng về ý nghĩa câu nói ấy.

Nhưng xét về mặt ngữ nghĩa, tui vẫn thấy có cái gì đó lấn cấn và sai sai khi nói vậy. Vì từ khi còn nhỏ xíu cho tới giờ đã già hai thứ tóc. Tui thấy nếu Ba mươi hổng phải Tết thì khi nào mới Tết hả trời.

Thú thật tui cũng không biết xuất xứ câu ví von này có từ thời nào, lúc nào và do ai. Người Việt mình vốn xuề xòa, dễ tính, chin bỏ làm mười, nên nghe thấy vui tai, hay hay mà cũng hơi hơi có…lý nên chấp nhận thôi. Nói mãi và truyền miệng nhau thành câu ví von phổ biến.

Sao lại nói là hơi hơi có lý. Vì tui dám nói chắc như đinh đóng cột rằng 30 chưa phải là ngày đầu năm thì quá đúng, và tui nghĩ có lẽ người sáng tác ra câu này cho rằng chữ Tết chỉ được gán cho những ngày từ mùng một trở đi thì mới phải. Về phần tui, xin cực lực phản đối à nha, với tui (và tui nghĩ cũng không ít người Việt) chắc chắn rằng 30 thì đã là Tết rùi. Tết một cách thực sự đó.

Theo phong tục của người Việt mình, kể tứ 23 tháng chạp âm lịch trở đi cho đến hết mùng của tháng giêng năm mới, thì mỗi một ngày đều có gắn chữ Tết phía sau. Mà riêng cảm nhận của tui, khoảng thời gian từ 23 Tết cho đến đêm giao thừa là thời gian vui vẻ hạnh phúc nhất mà cái tết Việt Nam mang đến cho tất cả mọi người. Với tôi có lẽ đó là thời gian ý nghĩa nhất của Tết Việt.

Người Việt làm lụng vất vả cực khổ cả năm trời cũng chỉ thật sự hưởng thụ vào ba ngày Tết. Tết là dịp gia đình đoàn viên, con cái về thăm cha mẹ, Việt kiều khắp nơi cũng chỉ chờ ngày này để bay về thăm quê cha đất tổ. Từ rằm tháng Chạp trở đi, mọi chuẩn bị cho một cái Tết truyền thống cũng đã vào guồng quay của nó với tốc độ nhanh hơn mỗi ngày.

Ngày tui còn nhỏ, thời đó công nghệ còn chưa có cái chấm nào. Chợ ở Sài gòn cũng chẳng khác mấy chợ quê. Từ 23 đưa ông táo trở đi, các gian hàng mứt Tết bày bán đủ loại, dưa hấu chất đầy trên lề đường, đủ loại thực phẩm phục vụ tết ê hề. Tôi vẫn nhớ về những phiên chợ ngày 28 Tết, đủ loại hoa cúng Tết tràn ngập khắp nơi. Ấn tượng trong tôi vẫn là những chậu vạn thọ với bông vàng ruộm tròn xoe mộc mạc. Mẹ tôi thường chưng trên bàn thờ ông bà loại hoa này. Vạn thọ với mai vàng là đặc trưng cho hoa Tết Phương nam, tôi thương lắm các loài hoa quê mùa ấy.

Ngày nay thời công nghệ đã lên tới 4.0 (cái này tui nghe mọi người nói vậy nên bắt chước nói theo, chứ cũng không hiểu lắm cái 4 chấm ấy nó hiển thị ở cái chỗ nào nữa. Hihi…), cần thứ gì thì người ta vô siêu thị hoặc mua hàng qua mạng chiếm phần lớn. Vừa tiện vừa mát mẻ lại hợp thời….trang. Nhưng tui chắc dù không còn ở cái thời vàng son thuở trước, thì chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc mua sắm Tết của tất cả mọi người, nhất là ở các vùng làng quê xa xôi.

Khoảng 10 ngày trước giao thừa, khắp mọi ngõ ngách phố phường, người người tấp nập mua bán tất bật đông vui. Ngoài ngõ đã vậy, trong nhà cũng không kém phần chộn rộn, lo âu tính toán làm sao cho một cái Tết tươm tất đủ đầy..

Từ 28 đến 30 Tết, nhà nào nấu bánh chưng hoặc bánh tét cũng phải ra chợ mua đậu, lá dong lá chuối về gói bánh. Khung cảnh mọi người quay quần bên nồi bánh Tét với củi lửa lách tách hòa lẫn với mùi hương khói cúng ông bà ngày 30 Tết có phải là hình ảnh thân thương nhất trong lòng của mọi người Việt Nam ?.

Người kinh doanh mua bán làm ăn bận rộn chuẩn bị quà cáp thăm nhau, con nít đòi quần áo giày dép mới, người lớn lau dọn sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón một năm mới hanh thông, lộc phát. Gia đình chờ đón người phương xa về đoàn tụ. Kẻ đi xa cũng nao nức mau chóng quay về.

Làm gì cũng nói đến Tết. Mọi thứ giao dịch có vẻ như dễ dãi xuê xoa hơn, người ta sẵn sàng rút hầu bao để mua sắm thứ gì đó, dù cả năm ky ca ky cóp thắt lưng buột bụng. Tết mà, đó là 2 từ cửa miệng của mọi người trao nhau ngày Tết.

Bạn nghĩ đi, có phải mọi hoạt động chính yếu để chuẩn bị cho một cái tết đều xảy ra trước giờ khắc giao thừa, mọi hỉ nộ ái ố, buồn vui đều xuất hiện vào lúc này. Ý nghĩa to lớn là khi Bạn toàn tâm toàn ý dốc sức cho một mục đích. Và ai cũng thấy vui vẻ mãn nguyện vì điều đó.

Mọi người làm ơn giải đáp giùm tôi về cái tâm lý không biết có bất thường không nữa. Con nít thích Tết thì là lẽ đương nhiên, nhưng tui nay đã già vẫn mong Tết như thường. Có lẽ không phải mong chờ vì được lì xì, ăn uống thả cửa, hay mặc quần áo mới như đám con nít. Mà tôi thích cái không khí thiêng liêng đến kỳ lạ của những ngày giáp Tết. Mà tôi nghĩ cái thứ không khí đó nếu Bạn không cảm nhận được ắt hản Bạn không phải là người Việt.

Và tôi luôn thấy buồn hẳn đi khi bước sang ngày mùng một Tết. Khung cảnh phố phường vắng lặng, ai về nhà nấy. Dù mọi người dành phần lớn thời gian ba ngày Tết để đi lại thăm hỏi và thực hiện nghi lễ chúc Tết đầu năm. Nhưng tôi vẫn có cảm giác nhạt nhẽo và hình như cái Tết đang trôi qua một cách lặng lẽ nhàm chán mà không còn vui tươi náo nhiệt như lúc nó đến.

Năm nay là năm đầu tiên sau mấy mươi năm cuộc đời, tôi nhìn thấy một cái tết kỳ lạ mà tôi chưa từng biết. À mà không riêng gì tôi đâu nhé, tất cả mọi người đều như vậy. Những ngày chuẩn bị Tết của tháng Chạp năm nay, vừa vui vừa buồn, trong sự nao nức pha lẫn chút lo lắng về tình hình đại dịch. Nhưng tôi nghĩ không sao cả nhỉ? Dù cho những người buôn gánh bán bưng, kinh doanh lớn nhỏ đều đồng cảnh ngộ thất thu mùa Tết vì hiểm họa dịch bệnh không mong muốn, nhưng tôi nghĩ mùa xuân vẫn ở đó. Người Việt chịu thương chịu khó dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh sẽ kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh.

Hôm nay là 29 Tết, ngày mai giao thừa rồi đó. Tôi viết những giòng này trong tâm trạng chờ đợi năm mới đến với cảm xúc không hề thay đổi.

Nói thêm lần nữa, với tôi từ 23 đến 30 tết, mới là tết. Là thứ mà tôi luôn chờ đợi từng ngày vào mỗi tháng chạp hằng năm,  từ khi còn bé đến giờ tôi vẫn vậy. Với tôi ba mươi đã là Tết !

Comments

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT