MẠNG XÃ HỘI VÀ LỐI HÀNH XỬ BẢN NĂNG
Thời nay hầu hết người Việt dường như đang sống cùng lúc ở 2 thế giới song song, thực tại và thế giới ảo. Tuy vậy, cũng như ở thế giới thực, ngày càng có nhiều những cuộc tranh cãi mâu thuẫn, thậm chí có cả những cuộc hẹn ân oán giang hồ, những phát ngôn sốc gây bão dư luận cùng rất nhiều hiện tượng phức tạp khác xảy ra trên mạng xã hội, ở nơi mà lẽ ra phải là phương tiện kết nối và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống vốn đã quá khó khăn của loài người?
Tôi còn nhớ ngày xưa, hơn hai mươi năm trước, tin tức thời sự hằng ngày được đăng tải trên báo giấy, được đọc mỗi sáng trên Radio và Ti vi. Nhưng đó chỉ là những tóm tắt quan trọng về tình hình xã hội, chính trị xảy ra trong và ngoài nước của 24 giờ trước đó. Việc cập nhật về diễn biến, cũng như chi tiết bản tin và sự phong phú về nội dung còn rất hạn chế và chậm chạp. Thông tin trong cộng đồng gần như không có, hoặc chỉ có rất ít những sự kiện thật sự nghiêm trọng mới thấy xuất hiện thưa thớt trên mặt báo giấy. Ngày đó, người ta liên lạc với nhau qua điện thoại hữu tuyến và gửi thư qua đường bưu điện. Mãi một thời gian sau này thì phương thức liên lạc qua Email trên nền Web mới xuất hiện. Dù vậy, thư điện tử dường như cũng chưa thật sự quen thuộc với mọi người, ngoại trừ giới kinh doanh và các bộ phận quản lý nhà nước phải sử dụng nó cho những nội dung liên lạc thực sự cần thiết. Chỉ đến khi ứng dụng trò chuyện Yahoo Messenger huyền thoại trở thành phương tiện chat chit độc tôn một thời của lứa tuổi 7x trở về trước thì việc gặp gỡ trao đổi theo thời gian thực mới được cải thiện.
Lý do đơn giản là vì hạ tầng Internet lúc đó mới phôi thai và chưa phổ cập đến từng người, từng ngóc ngách trong cuộc sống như bây giờ. Giao thức mạng điện thoại quay số Dial up Network có chất lượng chậm chạp không ổn định, cùng với giá cả dịch vụ lắp đặt và truy cập khá đắt đỏ cũng là rào cản lớn. Tôi còn nhớ khi ấy tốc độ loading email (Yahoo, hoặc Hotmail) chỉ trong khoảng vài ba chục kilobytes cùng với thời gian chờ mòn mỏi. Sự cố rớt mạng làm ngắt kết nối trong khi đang làm việc là chuyện thường ngày ở huyện.
Tuy vậy, cuộc sống thuở ấy mới bình lặng êm đềm làm sao. Nó bình yên vì con người không có điều kiện và cơ hội sân si, hay trầm lặng vì con người chưa đủ phương tiện để biết hết mọi tai ương đang diễn ra trên trái đất?. Có lẽ là cả hai. Và bây giờ thì mọi thứ đã quá khác.
Có thể nói chỉ trong 20 năm, tốc độ phát triển công nghệ viễn thông tạo nên những thành tựu vĩ đại hơn cả mấy thế kỷ lịch sử khoa học trước đó gộp lại. Ngày nay với đường truyền dẫn cáp quang, hạ tầng mạng 3G-4G thì mọi người được cập nhật gần như ngay tức thì toàn bộ diễn biến xảy ra trên thế giới theo thời gian thực, nếu có bất kỳ ai đăng tải chia sẻ điều gì đó lên mạng xã hội. Đây thật sự là một hành vi lạ lùng mà con người của 20 năm trước không thể biết tới và cũng không sao hình dung ra được.
Thử nghĩ lại coi, trái đất có mấy tỷ người sử dụng Internet bằng smartphone, tức là có gần bằng từng ấy người truyền tải thông tin nghiệp dư và chuyên nghiệp với khối lượng khổng lồ cùng một lúc và nhanh như chớp. Điều đó đồng nghĩa với việc một con người có thể được làm cho nổi tiếng ngút trời hoặc bị dìm thẳng xuống bùn đen chỉ trong vòng chưa đầy một nốt nhạc với những thị phi đang tràn ngập thế gian này.
Chính vì sự dễ dàng trao đổi, chia sẻ hoặc phát tán thông tin thật hư lẫn lộn, nên mạng xã hội ngoài việc được xem như một kho chứa dữ liệu gần như vô tận thì còn là một bãi rác thông tin khổng lồ đang gây ô nhiễm tâm hồn của cả nhân loại.
Con người hiện đại đang sống ra sao? Hãy thử hình dung thế này nhé:
Sớm mai khi trời còn chưa sáng rõ, vừa thức dậy với cái miệng ngáp ngoác tới mang tai, thì anh xe ôm Tư Ròm đã quơ lấy cái xì mác phone, hý hoáy gõ vội một giòng status lên trang nhà Facebook: “Cưng à, anh dậy rồi nè.”. Ngạc nhiên chưa, tiếng “Sting” làm chị Tư nằm kế bên thức giấc, một tay dụi dụi mắt, tay kia cũng quơ vội cái Phone gần đó, chị nheo nheo mắt gõ gõ một câu trả lời: “Em cũng dậy rồi cưng à” và gửi mấy nụ hôn nghe chụt chụt chụt !!!, rồi họ nhìn nhau cười toe toét vì cảm thấy hạnh phúc với những câu ngôn tình trao nhau âu yếm qua cái smartphone mà họ biết cả thế giới đều trông thấy. Anh Tư quàng một tay qua ôm vợ rồi làm một kiểu selfie chu mỏ ngay trên giường, và post nhanh lên mạng. Ái dà, bữa nay hứng chí anh muốn PR hạnh phúc của mình ra khắp thế gian. Liên tục hai ba âm thanh “Sting, sting…” dồn dập vang lên kèm theo những câu bình phẩm của thế giới rảnh rỗi ngoài kia xuất hiện: “Ôi thèm quá!”, “Ganh tỵ với anh chị quá đi à!”, và cũng có kẻ ganh ghét nhắn “Đồ già mà không nên nết”…Hihi, thiệt là quá nhanh, quá nguy hiểm !
Cùng lúc đó, ở bên kia nửa vòng trái đất, Tổng Thống của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ vừa hấp tấp ẩn bài đăng trên Twitter có nội dung hình như không đúng sự thật vì cho rằng trẻ em gần như miễn nhiễm với Corona Virus mà ông vừa mới post lên lúc nửa đêm. Ông nghĩ thầm: “Haizzz, lại một lần nữa tay nhanh hơn não.”
Còn ở một nơi nào đó của cõi nhân gian, đại ca giang hồ mạng Sáu Quýt đang ngồi rặn è è trong toilet mà vẫn không quên selfie cái dung nhan nhăn nhó thống khổ vì bị táo bón. Him đăng vội bức ảnh kèm theo một giòng trạng thái đầy tâm trạng: “Haizzz, đời là bể khổ, biết khi nào mới nhẹ nhàng thông suốt đây ta?”. Ngay tức thì, các comment từ đám đàn em tới tấp bay đến nghe “sting, sting….” dồn dập. “Cố lên đại ca !”, “Ngưỡng mộ anh quá!” Hihihihi, hành động bưng bô an ủi cũng đến thật kịp thời, mọi nơi mọi lúc.
Từ người lao động cùng đinh cho đến ông tổng thống quyền lực, ai cũng dùng mạng xã hội. Mọi người đều có mục đích khác nhau. Đa số chỉ đơn thuần là để kết nối bạn bè, gia đình và người thân. Rất nhiều người sử dụng mang xã hội như một môi trường PR bản thân, phục vụ cho công việc kinh doanh, giao tiếp cộng đồng, và các hoạt động khác nữa có trời mà biết. Rất nhiều người coi nó là một phương tiện để liên lạc, mở rộng địa bàn hoạt động. Nhiều người khác thì xem mạng xã hội là nơi thích hợp thể hiện bản thân, phát biểu chính kiến và hô khẩu hiệu. Hầu như ai cũng thích chia sẻ, phổ biến tin tức bên lề, kể cả fake news giật gân chỉ nhằm câu like câu views, với mục đích chém gió, khoác lác chơi đùa mà thôi…v/v…Không ít người sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền điều sai trái, kích động bạo lực, bắt nạt qua mạng kể cả làm nhục người khác.
Chưa bao giờ người ta lạm dụng danh nghĩa truyền thông một cách kỳ quặc và tùy tiện như bây giờ. Từ một anh nông dân ngọng nghịu học chưa hết lớp ba cho đến một chị bóng kín sặc sỡ cũng có thể lập kênh để lên giọng dạy dỗ người khác cách học làm người cho có đạo đức. Người ta dễ dàng quay Video hoặc Live Stream để bán buôn tất tần tật mọi thứ, kể cả khoe thân trần trụi cho mục đích bán dâm hay làm trai bao, gái gọi. Con người quen dần với lối sống hạ cấp và phục vụ bản năng chỉ với mục đích kiếm tiền là trên hết. Những ngôn từ dung tục, tiếng lóng được sử dụng ngày càng nhiều, đến nỗi trở thành quen thuộc trên cửa miệng của cả trẻ em, lẫn người lớn có giáo dục đàng hoàng, kể cả một số thành phần gọi là truyền thông lá cải. Thế mới thấy sự lây lan khủng khiếp của cái xấu từ lối sống bản năng, nhưng hình như chẳng thấy ai màng nói tới..
Từ khi nào, mạng xã hội cũng trở thành nơi tụ tập lý tưởng của các hội đoàn, băng nhóm. Các phương thức hoạt động ngoài vòng pháp luật và phạm pháp cũng phát xuất từ đây, mà trẻ em là đối tượng dễ bị lôi kéo và lợi dụng.
Không nói đến những nội dung chia sẻ lành mạnh, chính thống. Tại sao có quá nhiều loại rác rưởi vẫn được lưu hành tràn ngập trên mạng? Đây chính là hiểm họa có thể gây bất ổn xã hội mà có vẻ như luật pháp vẫn đang lúng túng chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu.
Trên toàn thế giới mỗi ngày có hàng tỷ thông tin thượng vàng hạ cám được tung lên không gian mạng, ngoại trừ hình ảnh khỏa thân khiêu dâm vi phạm chính sách cộng đồng, thì hầu hết chẳng có gì được kiểm duyệt, biên tập và phân loại nhằm loại bỏ các nội dung….độc hại nếu có.
Mọi người hình thành thói quen kiểu nói chuyện với nhau qua các ứng dụng tin nhắn, hoặc đơn giản là trả lời các status, comments. Hai người Bạn ngồi bên nhau nhưng lại trao đổi bằng điện thoại cùng lúc với nhiều người khác nữa không có mặt ở đó. Ai cũng cắm mắt vào màn hình điện thoại dù đang ở giữa một đám đông, họ tách ra khỏi sự giao tiếp của đời thật để đắm chìm vào thế giới ảo. Thậm chí những người chưa từng gặp gỡ hoặc không cùng chí hướng cũng có thể kết bạn, đơn giản chỉ là để cùng Like và Share một thông tin mà họ cảm thấy hứng thú, mục đích chỉ là để tăng lượt Views và Theo dõi. Không hề quen biết, mà lại là bạn? Thật là kỳ quặc phải không?
Nhiều người với ý muốn hiếu danh tự đại, họ hào hứng săn tìm thông tin rồi quay video và chia sẻ tất tần tật mọi thứ giật gân và độc hại lên mạng xã hội, họ tự thỏa mãn bản thân mình là người đầu tiên nhìn thấy và biết tuốt, họ không ý thức tác hại và hậu quả của việc chia sẻ thông tin nhạy cảm thiếu suy nghĩ. Thật ra ngày nay, con người trở thành các ông bà tám của thời đại 4.0 mà không ý thức được điều đó. Họ cũng trở nên hung hăng và lạnh lung hơn khi ngồi một mình gõ bàn phím phê phán một cách thô bạo khi làm nhục một ai đó. Họ không kịp hiểu ra trên không gian có vẻ là ảo, nhưng mọi đối tượng họ nhắm tới và hậu quả gây nên thì đều là thật. Có khi chính họ cũng không hay biết mình đã vô tình để tay nhanh hơn não và mau chóng trở thành kẻ bắt nạt trên mạng thực hiện hành vi xâm hại người khác.
Chưa có thời nào, con người tự nguyện vạch áo cho người xem lưng nhiều như thời này. Hở chút gì cũng đăng lên mạng. Chia sẻ từ việc vợ chồng ôm ấp trong phòng the, cho đến việc chưởi nhau ngoài phòng khách. Họ muốn mọi người nhìn thấy và tương tác, để được cổ vũ hay chỉ đơn thuần là thoát nỗi cô đơn? Để tìm sự đồng cảm, chia vui hay chỉ là muốn nổi tiếng? Làm gì thì thật sự tôi cũng không biết nữa, chỉ thấy quá nhiều hành vi phản cảm kỳ cục, không phù hợp chuẩn mực và thuần phong mỹ tục, gây hại cho trẻ em khi chúng vào mạng. Hơn nữa, có khi vô tình họ tự biến mình thành nạn nhân của sự phê phán, công kích, ném đá và kể cả bị làm nhục vì hành vi làm xốn mắt cộng đồng.
Tưởng như mạng xã hội là nơi toàn thể mọi người tìm ra phương cách để kết nối với nhau theo cách dễ dàng nhất. Có thật là vậy? Phải thấy rằng hệ quả đã trở nên trái ngược là con người ngày nay vô tâm, vô cảm, ích kỷ và tàn nhẫn hơn trước. Suy cho cùng, hành vi thực hiện mọi thứ gần như vô thức trong thực tại ảo cũng chỉ nhằm thỏa mãn tính háo thắng, hiếu danh và tự yêu bản thân quá mức của con người mà thôi.
Xã hội ngày càng bất ổn vì cách nghĩ nông cạn, dẫn đến hành xử bản năng. Người lớn mà hành động thiếu suy nghĩ như tụi trẻ trâu vị thành niên thì khi tay kia cào phím, tay này đã phải vất vả đỡ đòn hội chợ, dĩ nhiên là cũng từ một tầng lớp khán giả có não phẳng không kém. Thế gian này có câu, ngưu tầm ngưu mã tầm mã là vậy !
Mạng xã hội thật sự đã biến thành con dao hai lưỡi. Lợi và hại thì chắc ai cũng thấy rồi. Tùy cách bạn làm gì với nó mà thôi. Vì dù sao thì mọi nền tảng cũng chỉ nhắm tới đối tượng là con người, là cách mà các ông chủ tư bản công nghệ khai thác túi tiền người sử dụng. Xã hội mạng càng thị phi thì càng nhiều tương tác, tiền sẽ càng liên tục chảy vào túi họ. Nên họ không quan tâm mọi người vào đó làm gì, chính sách cộng đồng thì mơ hồ như một bức bình phong vô giá trị. Nếu bạn gây ra chuyện phạm pháp thì đã có nhà nước nơi Bạn ở xử lý.
Làm người phải có đầu óc để phân biệt đúng sai, hãy luôn cảnh giác, tỉnh táo và văn minh khi dạo chơi trên không gian mạng nhiều cạm bẫy. Nên nhớ rằng ở đó, dù là ảo nhưng cũng đầy rẫy loại người được gọi là kẻ xấu y như ngoài đời thực, nên đừng dại dột cả tin mà bị lợi dụng. Đừng tự biến mình trở thành Zombie sống ảo, vì sự nghiệp và hạnh phúc ngoài đời thật mới là thứ đáng quan tâm cho cuộc đời Bạn.Ông bà ta có câu dạy rằng: “Chọn bạn mà chơi” từ hồi xưa lơ xưa lắc, mà đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chúc mọi người tỉnh táo và hạnh phúc.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.