CÁI TÔI ĐÁNG GHÉT !

Theo Sigmund Freud (Nhà phân tâm học người Đức), cái tôi là chủ thể điều khiển hành vi của con người, chịu ảnh hưởng và dao động giữa phần con và phần người. Nghe đơn giản nhưng phân tích rộng ra thì quá nhiều phức tạp. Trong con người, phần con (được biểu thị bằng bộ phận sinh dục) gần với động vật, với các bản năng sinh tồn và truyền giống chi phối suy nghĩ và hành vi, nó là các hoạt động của sinh vật ở cấp độ thấp nhất của giống loài, có thể gọi nôm na là thú tính. Trong khi đó phần người là tổng hòa nhiều yếu tố từ nền tảng giáo dục, trình độ trí thức, trí thông minh, các chuẩn mực xã hội và cả sự ràng buộc về luân thường đạo lý, sự răn đe của luật pháp…

Bạn nghĩ mình được xếp loại là con hay người? Thật ra không hẳn là do bạn muốn hay không? Sự dao động giữa bản năng và ý chí cách nhau trong gang tấc mà có khi bạn không thể (hay không thèm) điều khiển. Thích là nhích thôi, sướng mà ! Hihihi… Chẳng thế mà đạo Phật có một triết lý nổi tiếng: “Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình”. Tiếng Hán Việt gọi là bản ngã. Cái tôi ích kỷ, thích chiếm hữu và độc ác được gọi là tâm lý bản ngã độc tôn trong mỗi chúng ta. Đó là khi phần con lấn át phần người. Xu hướng ái kỷ (tức là yêu bản thân đến cực độ) chỉ biết làm sao lấy cho được phần mình, không quan tâm và cũng không có nhu cầu thấu hiểu đến nỗi đau khổ của bất kỳ ai. Lúc đó con người không hơn gì loài cầm thú, sẵn sàng hãm hại đồng loại để thỏa mãn lòng vị kỷ và dục vọng của chính mình. Khi đó dù là đàn ông hay đàn bà, lòng tà dâm tham ác che mờ lý trí khiến con người bán rẻ lương tâm và nhân cách, sẵn sàng phản bội và phạm tội.

 

Gần Tết mà nói chuyện triết lý nghe chán nhỉ. Nhưng cuộc sống mà, vui ít buồn nhiều. Đôi lúc lảm nhảm sự đời cũng giúp tâm hồn nguôi bớt đi cơn giận dữ. Giận vì cái xấu đang lan tràn trên khắp cõi người ta, giận vì sự cô đơn vô lối khi ta đang ở chốn đông người.

Đã sang tháng Chạp âm lịch. Với tôi, đây là thời gian có nhiều ký ức vui vẻ lẫn kỷ niệm buồn. Và dĩ nhiên, kỷ niệm buồn luôn nhắc nhỡ tôi phải biết hối lỗi về những điều sai lầm đã qua và tự rèn luyện để được tốt lên sau mỗi ngày. Ký ức vui vẻ hạnh phúc khiến tôi trân trọng hơn những gì mình đã và đang có, và nó cũng là hành trang giúp tôi thêm dũng khí để sống tiếp cho đến ngày cuối của đời mình.

Tôi không biết có ai giống mình không nữa? Trong tôi luôn hiện diện những mâu thuẩn to lớn không thể lý giải. Thời còn trẻ, bạn bè hay gọi tôi là ông cụ non, có lẽ vì tính cách hướng nội và sự chỉnh chu có phần quá đáng. Nhưng ở một mặt khác, nhờ vẻ ngoài coi được như một badboy, tôi dễ dàng lôi cuốn phái nữ đến với mình…, nhưng thú thật tôi chưa từng lạm dụng ưu thế này để trở thành một trai hư đúng nghĩa. Tôi biết điều gì nên hoặc không nên làm. Tôi không thích chia sẻ niềm vui nỗi buồn riêng tư với ai, cũng như luôn cắn răng chịu đựng những bất trắc, nỗi đau từ cuộc đời đưa đến mà không muốn than vãn với bất kỳ người nào.

Với khả năng hoạt ngôn và biểu hiện hướng ngoại, tôi khá thành công trong việc giao tiếp với mọi người. Nhưng thật ra chỉ mình tôi biết, sự hướng ngoại của tôi đang đánh lừa cảm giác của người đối diện một cách vô thức, giúp tôi hiểu họ nhưng họ không thể nhìn thấu tâm tư của tôi. Đôi lúc tôi tự thấy mình như là một kẻ giấu mặt đầy bí ẩn. Có khi tôi cũng tự hỏi phải chăng mình là một kẻ dối trá bẩm sinh? Nhưng rồi tôi tự trấn an rằng mình chưa từng có ý định lừa dối ai nên không việc gì phải băn khoăn ray rứt. Và tôi cũng tự hào đôi chút vì biết phần người của mình nhiều hơn phần con đến bội phần.

Kể đến đây, chắc mọi người đã hiểu ý tôi muốn nói gì. Bản chất tôi là như thế, yêu cái tôi, nhưng không chìu chuộng lòng trần tục của bản thân, không cố tình tạo ra sự khác biệt. Nó vốn thế nên chỉ biểu hiện như thế, không thể khác. Điều quan trọng, chưa bao giờ tôi có ý tưởng tự tạo dựng hình ảnh cho riêng mình nhằm thu hút một đối tượng nào. Vì đó chính là điều mà tôi chán ghét nhất ở con người, nhất là một người đàn ông. Tôi là tôi, tôi chỉ sống đúng bản chất của mình, không cố tình đánh lừa ai, không muốn gây phiền lụy hay tạo sự khó chịu cho bất kỳ người nào. Nếu có ai ghét tôi, điều đó hoàn toàn là ngoài ý muốn. Nghe đến đây bạn sẽ nhận xét tôi dùng quá nhiều từ tôi nghe mà thấy ghét. Có gì đâu, vì tôi đang nói về một cái tôi…đáng ghét như thế. Một cái tôi bản năng chực chờ vượt ra khỏi vòng kiểm soát của ý chí và tri thức.

 

Con người thường thích nói về mình. Hai chữ con người ở đây là chỉ số đông. Dù bằng cách nói nào, ẩn ý hay lộ liễu gì thì cũng chỉ vì nhu cầu tôn xưng cái tôi mà cách thức phổ biến là tự thổi phồng, tô son điểm phấn cho cái tôi trở nên độc lạ, lung linh hoành tráng với mục đích tìm kiếm sự nể phục của người đời nhằm mục đích mưu cầu lợi ích nào đó. Nhưng hầu hết đều không biết bản thân mình đang tự biến thành đích ngắm cho miệng lưỡi thế gian dèm pha, làm cho mọi người có lương tri  ngán ngẫm, khinh ghét.

Ai cũng nghe nói và hiểu biết về các chuẩn mực của đạo làm người. Nhưng để sống sao cho phải đạo thì không phải ai cũng làm được. Chính những kẻ dối trá thì lại thường thích rao giảng đạo lý, cố tô vẽ bản thân như một cao nhân đắc đạo. Xã hội ngày nay thay đổi đến mức hình mẫu lừa bịp cũng kịp nâng lên một tầm cao mới. Ngày xưa một ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần trong truyện kiếm hiệp Kim Dung cũng phải rất kỳ công tạo dựng để người đời nhìn nhận mình là một Chính nhân quân tử. Ngày nay thì dễ dãi và trơ trẽn hơn nhiều, lòng người đã khác nên sự nhìn nhận mọi giá trị cũng không còn như trước. Người đời dễ dãi chấp nhận bị lôi cuốn theo sự hấp dẫn của vật chất, quần áo sang trọng, tư trang lấp lánh, và cả thân thể đàn bà hở hang lộ liễu, để sẵn sàng tin theo điều dối trá có khi rất dung tục và trơ tráo. Vì sao có sự thay đổi quá lớn đến nhận thức của con người như thế? Vì đó là một câu chuyện rất buồn mà người có tri thức không ai buồn nhắc tới nữa. Khi một xã hội tôn vinh điều cao đẹp đã mất, chỉ còn lại những tham vọng tiền tài, công lý mờ nhạt như mây khói, thì đạo đức con người mong gì tồn tại. Thực tế thời nay cho thấy một con điếm mặc đồ hiệu đi xe sang dễ được tung hô và thần tượng hơn là một một thầy giáo già đạo mạo nhưng nghèo rớt mồng tơi và bị vợ bỏ.

Có gì khó hiểu đâu nhỉ, một xã hội ngộp thở vì bị bủa vây bởi vô số định hướng lệch lạc từ các show thực tế trên TV, mạng xã hội, truyền thông lá cải, nghe rao giảng đủ thứ nhảm nhí từ kiến thức bậy bạ về cách làm giàu của các trùm lừa đảo và trọc phú, cho đến bí quyết chọn vợ tìm chồng trong các gameshow dung tục hạ cấp. Thì chuyện xã hội xấu đi vì con người đang dần đánh mất mình trong sự huyễn hoặc của những thứ phù phiếm sặc mùi tiền và sắc dục cũng là lẽ đương nhiên. Hihihi Nghe thấy mà đau nhưng đó lại là sự thật.

 

Và có phải sự thật là như thế? Tôi vẫn mong là không phải. Thật lòng là tôi chỉ muốn thậm xưng mọi thứ lên một chút như cách HighLight một giòng chữ để cảnh báo chúng ta đang gặp điều nguy hiểm.

Dĩ nhiên một thiểu số chính khách cơ hội, gian thương lũng đoạn và đĩ điếm cao cấp thì không thể đại diện cho toàn xã hội. Nhưng cái thiểu số hào nhoáng đĩ bợm đó lại có thể làm vấy bẩn cả bầu không khí trong lành của chúng ta. Nếu cứ mãi thờ ơ với cái xấu thì không sớm thì muộn, chính tâm hồn chúng ta cũng bị sự mục nát thối rữa xâm hại.

Kể cũng khó lòng trách cứ ai, vì duyên cớ nào ra nông nỗi. Người bình thường tối mắt lo cơm áo gạo tiền ngày hai bữa là đủ mệt nhoài, còn hơi sức đâu nữa mà để tâm đến diễn biến của xã hội. Còn truyền thông bẩn miệt mài phô diễn nhà lầu xe sang quần là áo lượt và tài sản nghìn tỷ của ai đó như một giá trị mặc định và thúc giục con người lao vào bất chấp để đạt tới.

Hãy cảnh giác, nếu có ai đó oang oang với bạn rằng tôi thế này, tôi thế kia một cách hùng biện, hãy suy đi nghĩ lại xem mình có phải là một con cừu non trong một bày cừu đang bị dắt mũi không nhé. Nguyên tắc đầu tiên, hãy nghe lời người khác nói như một thứ thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Còn quyết định làm gì hay sống thế nào thì đó là do chính Bạn. Còn tôi, không có thì giờ và nhu cầu để nghe về những điều vớ vẫn có thể làm bẩn tai và mất vui dù chỉ trong một khoảnh khác nào đó. Vì tôi nghĩ tâm hồn mình cần phải được bảo vệ để gìn giữ trong sạch và miễn dịch với mọi thứ rác văn hóa có thể gây ô nhiễm một cách tuyệt đối.

Cái tôi là của riêng mọi người, được quyền bất khả xâm phạm. Không ai có quyền áp đặt cái tôi của mình lên người khác. Vì mỗi con người đều bình đẳng trước pháp luật. Hơn nữa, trước tạo hóa, thượng đế, chúa Jesu hay Phật tổ, thì một con người có nghìn tỷ và một kẻ Homeless đều có giá trị như nhau. Khi sinh ra, bạn oe oe chào đời trong bộ dạng trần truồng yếu đuối, thì lúc rời đi bạn chỉ còn là một cái xác xấu xí sẽ mau chóng phân hủy thành cát bụi như chưa từng có chuyện gì xảy ra với thế gian này. Nếu có chăng, chỉ còn tiếng thơm để lại nếu bạn sống hữu dụng và chân chính, bạn có thể tiếp tục sống trong ký ức của một ai đó từng yêu thương bạn, nhưng cũng chỉ là một thứ kỷ niệm đẹp ngắn ngủi cho đến khi hoàn toàn rơi vào quên lãng. Trái lại, bạn chỉ là thứ rác rưỡi mà người đời mau chóng quên đi như quên một con chuột ghẻ lỡ bị xe cán bẹp dí trên đường không hơn không kém. Nói thì nghe ghê, nhưng đó là thật đấy.

Vì thế cho nên hãy sống sao cho đàng hoàng, đừng vì quá chiều chuộng bản thân mà một ngày nào đó bạn sẽ bị chính cái tôi của mình giết chết một cách ngu ngốc.

 

Saigon, Ngày 07-01-2022.

 

Comments

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT