THIỆN ÁC ĐỐI ĐẦU VÀ SỰ HÈN NHÁT
Ngày nay người ta thường hô hào câu nói “Hãy là chính mình!” như một phương châm trong cuộc sống. Nhưng thực tế thì không ít người nhầm lẫn về ý nghĩa sâu xa của câu nói ấy và hồn nhiên hướng cách sống của mình quay về với bản năng thô thiển. Họ không nhận ra rằng ”khi con người càng gần với bản năng, thì thế gian càng có thêm nhiều tội lỗi”.
Có lẽ ai cũng thích xem phim hành động nói về cuộc chiến chống lại cái ác của một cảnh sát hay người hùng nào đó. Và dĩ nhiên người xem là Bạn sẽ cảm thấy hào hứng và thỏa mãn khi kẻ ác nhân hung bạo bị trừng trị đích đáng dù đó chỉ là câu chuyện trên màn ảnh. Thuở nhỏ, tôi rất phấn khích khi thấy cả rạp chiếu phim reo hò, vỗ tay không ngớt cổ vũ cho công lý được thực thi. Tâm lý hướng thiện này hiện diện trong đa số chúng ta, vì trong khi cuộc đấu tranh thiện ác chưa bao giờ kết thúc, thì mỗi nhân tố tốt đẹp và dũng cảm đứng lên bảo vệ lẽ phải luôn là hình tượng được chờ đợi trong mỗi con người.
Edmund Burke (một nhà triết học người Ireland) đã nói: “Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là người tốt không chịu làm gì cả”. Khi con người sợ hãi và trốn chạy, hoặc bàng quan trước sự hoành hành của kẻ xấu thì vô tình giúp cho cái ác ngày càng mạnh lên và lan nhanh như cỏ dại. Rồi khi một ngày nó chạm đến chúng ta, biết đâu được nhỉ? Lúc đó ta không còn là người chứng kiến, mà trở thành nạn nhân bị hãm hại thì sẽ nhờ ai cứu giúp đây? . Cho nên hãy suy nghĩ vài lần trước khi làm ngơ né tránh cái ác mà không chịu hành động gì cả.
Trong một bài nói gần đây trước quốc hội, ông Vũ Đức Đam (Phó thủ tướng Việt Nam đương nhiệm) đã phát biểu: “…cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu là cuộc đấu tranh xuất hiện từ khi có loài người, và chưa có lúc nào bên tốt thắng tuyệt đối bên xấu và bên xấu thắng tuyệt đối bên tốt. Điều đó tùy thuộc vào từng thời điểm, từng lúc…” Theo ông, việc giáo dục đạo đức và ý thức cho con người phải được xem là nền tảng để xã hội phát triển. Tôi hoàn toàn đồng ý và tâm đắc với ý kiến này.
Có ai đó phân chia loài người trên thế gian này thành hai nửa tốt và xấu, trong khi thật ra vẫn còn có một thành phần thứ ba, lưng chừng nghiêng ngã giữa lằn ranh thiện ác. Có lẽ chẳng ai chia, mà chỉ là khái niệm từ mỗi phía, mà phía này là đối lập với phía kia, như hai mặt của một vấn đề! Còn kẻ đứng giữa là gam màu xám của cuộc đời.
Rất nhiều người có bản chất tốt đẹp từ khi sinh ra, từ nhỏ đến lớn họ phân biệt rạch ròi điều nên làm và những gì không được phạm phải. Tính cách đó di truyền từ nhân cách của tổ tiên và cha mẹ, họ được giáo dục một cách nghiêm khắc về lối sống hợp đạo lý theo truyền thống của gia đình. Được cha mẹ dạy dỗ cách làm người, không tham lam của cải thuộc sở hữu của người khác, tôn trọng sinh mạng và nhân phẩm của mọi người, tuyệt đối không được làm những điều cấm kỵ có thể gây hoen ố thanh danh làm nhục nhã gia phong, luôn sẵn sàng tận tình giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn. Người tốt luôn là nhân tố tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp và cộng đồng đoàn kết. Họ mạnh mẽ thẳng tay đấu tranh trong cuộc chiến diệt trừ mầm mống của cái ác.
Còn kẻ xấu là ai? Đó là những con người mà bên trong phần con lấn át phần người. Trong tâm thức họ, ý thức cộng đồng và nhân cách thực sự rất ít ỏi và gần với bản năng của loài động vật hoang dã. Với kẻ xấu, mọi thứ trên thế gian này đều có thể trở thành đối tượng để tước đoạt chiếm hữu nếu có đủ sức mạnh và mưu mô. Chúng sử dụng trí khôn với mục đích tư lợi, đối phó và hãm hại đồng loại. Với ý thức đầy dã tâm mạnh được yếu thua, họ nhìn mọi đối tượng xuất hiện trước mắt theo cách thú dữ quan sát con mồi tiềm năng để có thể dễ dàng tấn công hay không mà thôi. Chúng luôn muốn thống trị và nô dịch người yếu thế. Kẻ ác vì không có nhiều nhân tính, nên gần như không hề quan tâm đến nỗi đau mà chúng gây ra cho nạn nhân. Có khi chúng còn cảm thấy vui sướng và hãnh diện về tội ác mà chúng đã gây nên như một chiến tích.
Kẻ xấu không bao giờ nghĩ mình đang làm điều xấu, vì bản năng của thú dữ là săn mồi để tồn tại, bất kể đối tượng là ai. Nếu bị trừng trị, chúng cũng biết giả vờ ăn năn hối hận để được giảm khinh một cách dối trá và gian xảo.
Loại người thứ ba chiếm số đông nhất. Họ là tập hợp những người bình thường, có thể thiếu trang bị kỹ năng sống, không đủ ý chí kiên định, thiếu lập trường và cả sự can đảm để có thể đối mặt với nguy hiểm. Họ sợ sệt lãng tránh cuộc đấu tranh theo kiểu con đà điểu chôn vùi đầu mình xuống cát để không nhìn thấy hiểm họa dù mối nguy thì vẫn hiện hữu ở đó. Họ sẵn sàng nghiêng ngã như một kẻ cơ hội vì nghĩ sẽ được an toàn và yên ổn dù cho thời thế có ra sao. Ví dụ như xã hội ngày nay không thiếu những hiện tượng bạo lực xảy ra trên đường phố, trong khi nạn nhân bị kẻ xấu đánh đập tàn nhẫn không thương tiếc, thì hàng chục người vây quanh để xem cho thỏa tính hiếu kỳ mà không ai có mảy may hành vi nào can thiệp. Hình như chẳng ai còn nhớ câu nói của người xưa: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”.
Nếu Bạn nghĩ mình vô can khi chỉ đứng nhìn cái xấu lộng hành trước mắt mà không chịu làm gì, thì bạn đã vô tình tiếp tay dung dưỡng tạo cơ hội cho cái ác phát triển từ sự bất thường trở thành bình thường. Hơn thế nữa, thế nào là vô can khi Bạn đang ở đó nhưng chỉ đứng xem hoặc chực chờ bỏ chạy. Đó có thể gọi tên là gì? Nếu không muốn nói đó là sự hèn nhát vì sợ bị liên lụy thì phải báo động đỏ về sự vô cảm đến mức đáng sợ của con người trong cộng đồng chúng ta hiện nay. Họ tự bào chữa khi lương tâm áy náy, dù sao thì cũng không phải việc của mình, dây dưa nhiều chuyện có khi lại thiệt thân, làm ngơ đi là cách sống khôn ngoan nhất.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục đạo đức cho con người, nên xin không nói thêm. Chỉ muốn phân tích một khía cạnh nhỏ về tâm hồn của chúng ta trước lằn ranh thiện ác. Cuộc sống đương đại tôn sùng vật chất đang thay đổi nhanh chóng khiến con người ngày càng phải đối diện với nhiều vấn đề về áp lực mưu sinh, sức hấp dẫn của địa vị, vật chất và tiền bạc. Con người dễ phát sinh lòng tham hoặc tối mắt vì dục vọng thấp hèn trong vài giây ngắn ngủi nào đó, mà bản thân không thể kìm chế mặt xấu luôn ẩn khuất bên trong, khi lý trí lu mờ cũng là lúc dễ dàng phạm tội.
Một người tốt là người có giáo dục, có ý chí, sống có lý tưởng, vị tha, biết yêu con người sẽ dễ dàng trấn áp mặt trái tâm hồn mình. Đấu tranh với bản thân luôn là điều khó khăn nhưng cũng vinh quang nhất.
Trong xã hội đương đại, từ cái xấu dẫn đến cái ác chỉ trong gang tấc. Chúng hiện diện quanh ta dưới nhiều bộ mặt, thậm chí kẻ xấu còn có thể khoác nhiều tấm áo đẹp đẽ ngụy trang đánh lừa lòng tin của cộng đồng, chúng đe dọa cuộc sống bình yên của xã hội. Tệ nạn trộm cắp, giết người cướp của, dùng bạo lực trấn áp người cô thế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng bức hiếp dâm, lợi dụng chức quyền để nhủng nhiễu, lũng đoạn…v/v và còn rất nhiều nữa. Chưa bao giờ xã hội tha hóa đến mức cần phải được lập lại trật tự khẩn cấp như lúc này.
Đừng mong mỏi sự tự giác hay lòng thiện tâm của kẻ xấu. Khi xuống tay làm điều ác thường thủ phạm không nghĩ ngợi nhiều vì lúc đó chúng chỉ muốn kết thúc nhanh chóng để kịp trốn thoát. Kẻ xấu luôn có tâm địa lạnh lùng tàn nhẫn đến mức đơn giản kỳ lạ.
Với người có bản tính thiện thì rất khác. Họ sẽ cảm thấy không hề dễ dàng khi tiếp sức hoặc nhúng tay vào tội lỗi. Người tốt luôn băn khoăn đắn đo trước khi làm một việc gì mà họ biết trước là không chính đáng. Nhưng hãy cẩn thận, nếu đã vượt qua ranh giới này thì hậu quả để lại sẽ khiến họ trở nên mặc cảm và có thể tiếp tục phạm tội để rồi trở thành người xấu thực sự. Khi đó tâm hồn đã vấy bẩn thì không bao giờ còn có thể bình yên được nữa.
Trong một con người, dù hoàn cảnh xuất thân thế nào, dù được giáo dục ra sao, vẫn luôn tồn tại hai phần tốt xấu. Điều cốt lõi hình thành nhân cách đó là ý thức và bản lĩnh để một người thật sự mang đầy đủ tính người có thể tự biết trấn áp cám dỗ và tiêu diệt tà niệm muốn khởi phát trong tâm hồn mình. Con người không làm điều ác vẫn là chưa đủ, mà cần phải đồng lòng chung sức để ngăn ngừa cái xấu có cơ hội lây nhiễm trong xã hội.
Cũng may, người có nhân cách luôn biết tự dằn vặt và cảm giác ân hận nếu lỡ gây nên lầm lỗi trong quá khứ, đó là sự thiện lương có sẵn trong mỗi con người. Nó ngăn cản chúng ta tiếp cận cái xấu, cảnh giác chúng ta tránh xa cám dỗ, để không phải mang nặng mặc cảm tội lỗi trước bản thân, gia đình và cả xã hội sau này nữa.
Người có ý thức trách nhiệm trước mọi người luôn thấy mình chưa đủ tốt. Điều đó giúp chúng ta không ngừng tu dưỡng bản thân ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Đã là con người, ai cũng có lý do mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Hai chữ hạnh phúc theo đúng nghĩa đen, không bao gồm ý nghĩa bị chiếm đoạt bằng mọi giá. Chắc chắn rằng từ trong thâm tâm, ai cũng mong mỏi đến lúc cuối cùng của cuộc đời sẽ được yên vui thanh thản vì đã sống ý nghĩa suốt một đời lương thiện và can đảm.
Chắc bạn đã từng nghe kể chuyện về tội gian dâm của một nhà tu, cũng như câu chuyện kẻ từng cướp của giết người biết phóng hạ đồ đao lập địa thành phật. Dù là người tốt hay kẻ xấu, ai cũng có thể phạm sai lầm, và ai cũng có một cơ hội cuối cùng để quay đầu xám hối.
Nhưng có một điều chắc chắn, khi tội ác đã diễn ra thì không
thể nào sửa chữa. Luật pháp càng không thể dung túng nhân nhượng cho kẻ xấu. Mọi
thủ phạm độc ác đều phải bị nghiêm trị. Hãy chứng tỏ thế gian này luôn có công
lý, và mọi người cùng xác tín rằng tà thì không thể thắng chính.
Người tốt và kẻ xấu đã là quy luật tồn tại trong xã hội loài người từ hàng ngàn năm trước. Nghĩ một cách tích cực thì đó là động cơ thúc đẩy sự tiến hóa và phát triển không ngừng. Không có kẻ xấu thì biết đâu là người tốt nhỉ?
Các Bạn chớ nên thất vọng và than vãn vì sao xã hội ngày nay có quá nhiều kẻ tồi bại. Trong một bài viết: "CÓ PHẢI TẤT CẢ MỌI CON NGƯỜI ĐỀU LÀ NGƯỜI ?' tôi có đề cập đến vấn đề này. Khi cuộc chiến chống lại cái ác còn kéo dài, chỉ cần Bạn có dũng khí và biết trau giồi kỹ năng sống nhiều hơn một chút, thế gian này sẽ có thêm một người tốt bước vào hàng ngũ chống lại cái xấu. Mỗi một người sống đạo đức và lương thiện, là đã củng cố thế lực chính nghĩa thêm một nhân tố tích cực nữa.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.