LÁI XE THÌ PHẢI BÓP CÒI PHA ĐÈN – CÁI TÔI CỦA TÀI XẾ VIỆT ?

 Chào các Bạn, hôm nay tôi xin nói thêm về một vấn nạn phổ biến trong hành vi tham gia giao thông có thể gây nên nhiều hiểm họa nghiêm trọng. Sự hỗn loạn và phớt lờ luật lệ đang diễn ra hằng ngày trên đường phố phần lớn là hệ lụy từ vài tính cách khó sửa đổi của người Việt hiện nay. Có thể nhận ra đó là biểu hiện của thói bon chen, thích kèn cựa và sự ích kỷ đã trở thành hiện tượng xấu xí hiện hữu trong mỗi chúng ta từ vài chục năm gần đây.


Có lẽ ai cũng đã từng ít nhất một lần bị giật mình hốt hoảng vì những loạt “còi to cho vượt” vang rền sau lưng khi đang lái xe. Ngay sau đó có khi là một anh đàn ông đang chở vợ và con nhỏ hẳn hoi vọt lên với thái độ vênh váo thường thấy của mấy gã ngông nghênh kiểu như: “Tránh đường cho tao chạy cái coi!” đầy  thách thức, nhưng cũng lắm lần chứng kiến không ít các chị em Ninza Lead đeo mặt nạ kín bưng phóng xe ào ào vượt mặt cánh đàn ông không thua gì đám trẻ trâu một cách tỉnh bơ như đang chạy xe ngoài đồng trống. Đúng là điếc thì không sợ sung mà.

Đó là cảnh thường thấy ở mọi nơi trên cái đất Việt Nam hình chữ S. Từ nông thôn tới thành thị, chỗ nào có đường giao thông, có xe đang chạy thì ắt có tiếng còi đủ mọi âm sắc kêu vang loạn xạ mọi nơi mọi lúc. Đã cưỡi trên xe thì vui cũng bóp, buồn cũng bóp, giận dữ còn bóp nhiều hơn, bóp cho thiên hạ ….tránh ra vì điếc tai hết hồn, bóp cho thỏa cái sở thích yêu bản thân tới mức bệnh hoạn. À bóp kèn đó nha, hổng phải bóp cái gì đâu á, đừng có mà nghĩ bậy. Hihihi

Từ lúc biết leo lên cái xe 2 bánh, thứ dễ học nhất là bóp….còi. Cái nút nhỏ xíu trên tay lái tuy đơn sơ nhưng có hấp lực lạ lùng, vì ngoài cái công tắc đèn pha cốt, thì cái còi xe là phương tiện thỏa mãn bản thân hiệu quả nhất. Làm như là khi bóp còi thì anh ta cảm thấy thống khoái như đang lên đỉnh vậy á. Lắm người không rành luật giao thông đường bộ, thiếu am hiểu về các quy định khi lái xe. Nhưng thủ pháp bóp kèn thì rất ư là điêu luyện. Ngày nay đèn còi trên xe máy ngoài công dụng cảnh báo và chiếu sáng, thì còn là thứ vũ khí dùng để hù dọa đe nẹt người khác nhằm thể hiện sức mạnh bản thân mà nhiều anh chị em cố nâng cấp nó lên một tầm cao mới.

Đường trong thành phố có 2 làn xe máy, kẻ chạy sau thay vì từ tốn chuyển làn để vượt thì cứ hằm hè liên tục nhấn muốn lún cái nút còi ồn ào yêu cầu người chạy trước tránh đường dù đã đạt tới tốc độ giới hạn. Hahaha, nó không thích ai cản đường đó mà.

Sợ nhất là mấy anh chạy xe máy 3 không (không nguồn gốc, không biển số, không giấy tờ) thồ hàng cồng kềnh được độ lên còi hơi ô tô ầm ỉ trên phố phóng bạt mạng hù dọa mấy ông bà già chạy phía trước giật mình chết khiếp vì cứ ngỡ xe tải đang ầm ào lao tới. Sự hốt hoảng làm loạng choạng tay lái đã gây tai nạn chết người oan uổng.

Hôm nào ra đường, Bạn thử bình tĩnh lắng nghe trong cái mớ âm thanh hỗn loạn của đường phố, để hiểu hết ý nghĩa của cái thế giới còi xe đang kêu la inh ỏi náo loạn từ cả bốn phương tám hướng mặc sức tra tấn mọi người. Các du khách ngoại quốc từng nhận xét Việt nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có cái thứ đặc sản âm thanh hết sức kinh khủng đó.

Đâu chỉ xe 2 bánh, mà người lái xe 4 bánh giàu có khá giả hơn cũng không hề chịu thua kém về trình độ kém văn hóa này. Dù đường ùn tắc hay thông thoáng thì ta vẫn nghe tiếm bấm còi hơi inh ỏi trên đường phố. Đang chạy thì họ bỗng ngứa tay muốn bóp kèn, từ trong vô thức thúc giục bóp thì cứ bóp thôi. Nói theo kiểu mấy bà già ở quê, gọi hành vi vô lý đó là nó làm như bị “ Mắc thằng bố” vậy đó. Hihi….Vô số trường hợp taxi, xe nhà từ 4 đến 7 chỗ ngang nhiên chen vào làn xe 2 bánh cũng thúc còi yêu cầu xe gắn máy tránh đường. Họ cứ làm như khi ngồi trong ô tô thì bản thân trở nên cao quý hơn người, có toàn quyền muốn nhấn kèn để đám xe máy hạ đẳng chung quanh có bổn phận nhường đường cho quý sờ tộc. Thật ngu si hết chỗ nói.

Có lần tôi còn thấy cả loại xe khách to đùng của một nhà xe sơn màu đỏ cam danh tiếng phóng ào ào trong làn xe hai bánh với tiếng còi vang rền thúc giục bầy người nhỏ bé  phía dưới mau mau dạt ra chỗ khác nếu không muốn mất mạng. Nói thêm một chút, nhà xe này nổi tiếng với đám tài xế có phong cách điều khiển xe rất hung hăng và coi thường pháp luật. Bạn cần bằng chứng ư? Cứ ra đường hướng về các tỉnh thì sẽ chứng kiến đám hung thần này làm xiếc trên đường như chốn không người, như đường xá được xây dựng là dành riêng cho nhà nó.

Ngoài ra, bất kỳ ai tham gia giao thông cũng sẽ thấy đủ các loại xe 4 chỗ, xe tải, container, xe khách đường dài, luôn chạy ào ào như ma đuổi, họ sẵn sàng vi phạm tốc độ, sử dụng những loại kèn vượt ngưỡng tiếng ồn quy định, không bao giờ biết giữ khoảng cách an toàn, không giảm bớt tốc độ khi đến chỗ giao cắt, sẵn sàng vượt ẩu lấn tuyến ngược chiều như các phi công cảm tử, họ luôn bóp còi nhá đèn và hửi đít một cách hớn hở và thô bạo để ép lái hòng hù dọa trấn áp xe nhỏ hơn đang lưu thông phía trước. Các loại xe vua dẫn đầu kéo theo đám xe 4 chỗ ăn theo đua nhau lấn vào làn khẩn cấp trên cao tốc để vượt lên khi có tình trạng ùn tắc, hoặc chúng chen luôn vào làn trong cùng sát lề với âm thanh đinh tai nhức óc của tiếng còi hơi náo loạn, dĩ nhiên nhiều tai nạn kinh khủng để lại tổn thất đau thương không nhỏ đã diễn ra sau đó. Điều đáng khinh là khi tai nạn xảy ra thì đám tài xế thủ phạm đều dối trá đổ thừa cho xe bị mất lái mất phanh không rõ nguyên nhân. Đó là thứ điệp khúc ngụy biện ngu xuẩn nhất chỉ có người thiểu năng trí tuệ mới tin nổi. Ai cũng biết loại tài xế kiểu đó hoàn toàn không có lương tâm, thiếu điềm tĩnh khi cầm lái, đạo đức yếu kém xem thường mạng sống của người khác , và thậm chí có khi bằng lái mà họ có không biết là thật hay giả nữa.

Những khi trọng thấy nhiều kẻ ngang nhiên vi phạm như vậy nhởn nhơ trên đường, tôi ước gì có một đội cảnh sát giao thông xuất hiện đúng lúc để phết cho cái đám vô học ngu dốt ấy tờ giấy biên bản phạt và giam bằng lái vài tháng cho vỡ mặt. Nhưng đời có bao giờ như là mơ, lúc cần thiết thì tìm đỏ mắt cũng không thấy bóng dáng nhà chức trách ?

Vấn nạn kế tiếp là chuyện độ đèn pha chói sáng quá mức quy định để áp đảo làn xe đối diện. Theo luật đường bộ thì việc này bị cấm. Nhưng cứ thử khi hoàng hôn buông xuống, trên các quốc lộ, cao tốc và ngay cả tỉnh lộ cũng thấy hiện tượng pha đèn gây lóa mắt cực kỳ nguy hiểm. Từ xe hai bánh độ đèn LED siêu sáng, xe ô tô độ bóng Bi- Xê nôn, đèn Led làm mù mắt các lái xe ở làn đối diện. Ai cũng muốn xe mình chiếu sáng hơn, không cần biết hiểm họa tiềm ẩn rất lớn cho người tham gia giao thông. Chẳng ai muốn chịu thua ai cả.

Tôi thường lái xe buổi tối, kể cả trên cao tốc, các xe chạy ở làn ngược lại vô tư bật đèn pha chói lòa, nhất là ở những khúc cua đầu vào cực kỳ nguy hiểm, nhưng dường như không thấy ai có vẻ gì bận tâm lo ngại sẽ bị xử lý vi phạm. Ghê rợn nhất là cảnh các xe khách đường dài, các xe tải to khủng, xe đầu kéo kềnh càng được lắp hằng loạt bóng đèn pha siêu sáng chói lòa chạy ào ào phía trước, khi đối diện với chúng sẽ khiến Bạn mù mắt hoàn toàn trên đường, lúc này chỉ còn biết phó mặc cho kỹ năng xử lý của chính Bạn nếu không muốn đấu đầu cho tan xác hay lao vào con lươn bê tông phân chia tuyến đường để rồi lộn nhào lật ngửa. Tôi không hiểu tại sao tệ nạn nguy hiểm này vẫn được duy trì nhiều năm tháng mà các cơ quan quản lý đường bộ hoặc đăng kiểm không có biện pháp xử lý. Dường như các camera phạt nguội trên đường không còn hoạt động nữa thì phải mà để cho chúng ngang nhiên vi phạm hằng ngày như vậy.

Trên các tỉnh lộ ở miền tây không có đèn đường, hầu như xe máy nào cũng độ bóng Led siêu sáng sẵn sàng làm mù tạm thời các tài xế chạy chiều ngược lại. Đường làng quê đã hẹp, không đèn đường chiếu sáng, xe chạy lấn làn lấn tuyến vượt ẩu ban đêm, kiểu pha đèn bất chấp, hay ích kỷ thiếu hiểu biết là nguyên nhân gây tai nạn kinh hoàng.

Khi thiết kế và sản xuất ra một chiếc xe, dù là xe nhỏ hay xe lớn, mọi trang bị trên xe đều đã được nhà sản xuất tính toán một cách khoa học và đủ an toàn cho người sử dụng chúng, đủ điều kiện để tham gia lưu thông. Thay đổi cấu hình trang bị, là thay đổi kết cấu cũng như tính năng an toàn và độ bền kỹ thuật. Ba cái vụ cháy xe do thợ vườn độ thêm đèn đuốc đấu dây lòng thòng gây chập mạch xảy ra như cơm bữa.

Chiếc còi xe là loại trang bị để cảnh báo lúc khẩn cấp. Cũng như hệ thống đèn pha vừa đủ sáng phải được sử dụng đúng cách. Đừng biến chúng thành phương tiện gây án, đừng xem chúng là vũ khí để hại người khác.

Mọi vấn đề xảy ra đều có yếu tố con người tác động. Tại sao quá ít người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông? Dù ai cũng biết rằng điều đó liên quan đến sự an toàn và sinh mạng của con người? Vì thiếu nhận thức đúng đắn về hiểm họa và hậu quả do hành vi vi phạm mang lại? Vì ít học và thiếu hiểu biết đưa đến sự tùy tiện và liều lĩnh trong cách sử dụng phương tiện? Vì tính ích kỷ và thiếu đạo đức nên không thể kiềm chế cảm xúc lúc lưu thông trên đường? Vì cái tôi quá lớn không chịu thua kém ai dù chỉ là chuyện kèn cựa bon chen trong khi điều khiển phương tiện?...v/v Có quá nhiều nguyên nhân phải không? Chỉ đến khi tai nạn xảy ra cho chính bản thân, thì sự hối hận sẽ trở nên quá muộn màng. Không có cái ngu nào giống cái ngu nào? Hãy tự cho rằng mình ngu dại đi, để biết khôn hơn khi ứng phó trong mọi tình huống.

Nguyên tắc cơ bản khi lái xe là phải an toàn cho mình trước tiên, sau đó thì sẽ an toàn cho những người khác.

Làm người phải biết tiên liệu trước mọi tình huống. Luôn tự đặt mình là người có thể bị hại để biết cách ngăn ngừa hiểm họa. Để ngăn cản chính mình không bốc đồng nóng nảy làm hại người khác. Làm chết người khi lái xe là loại sai lầm không thể nào sửa chữa. Còn muốn tự làm chết mình khi lái xe thì cứ việc, đó là hành vi tự sát ngu ngốc dù muốn hay không, khi đó mọi sự sẽ kết thúc với bạn, nhưng để lại nỗi đau cho nhiều người liên quan.

Tôi tự hỏi tại sao người Việt ngày nay quá hung hăng và tự ái trong mọi hành vi đối nhân xử thế. Ai cũng đặt cái tôi của mình lên trước lợi ích của cộng đồng. Sự khiêm tốn và điềm đạm trong mỗi con người ngày càng thiếu vắng. Những thứ liên quan đến cách làm người như tính kiên nhẫn, lòng khoan dung và sự rộng lượng trở thành điều xa xỉ. Một ví dụ nhỏ, tôi chắc rằng khi Bạn không biết xếp hàng chờ đến lượt, thì Bạn không thể là một người lái xe tốt.

Trong một khía cạnh khác, luật giao thông đường bộ thì có đủ quy định hình phạt vi phạm, nhưng vi phạm thì vẫn diễn ra nhan nhãn trên đường. Vậy cái cần xem lại là biện pháp thực thi đã hiệu quả đến đâu? Nếu luật chỉ áp dụng trong những lần ra quân chiến dịch chủ điểm thì tính răn đe chắc chỉ còn là hình thức và hoàn toàn vô dụng.

Tôi rất mong sắp tới đây tại Việt Nam áp dụng khoa học kỹ thuật, ghi hình toàn bộ các tuyến đường trong cả nước để không bỏ sót bất kỳ vi phạm nào. Phải phạt nặng mọi hành vi sai trái thì mới răn đe hiệu quả. Hãy thực hiện việc bấm lỗ bằng lái và sẵn sàng tướt giấy phép lái xe của bất kỳ ai coi thường pháp luật. Đó là cách duy nhất lập lại trật tự và văn minh trên đường phố.

 

Comments

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT