NGÀY MAI RỒI SẼ …SỐNG?

 Ngày xưa khi mới lớn, với hai bàn tay trắng và một tâm hồn rộng mở yêu đời. Tôi đọc rất nhiều sách và thấy đâu đó lời nhắn nhủ: “Khi còn trẻ hãy cố gắng học tập và làm việc. Tương lai rồi sẽ giàu sang hạnh phúc”. Và tôi hằng mơ tới một ngày mai như thế !.


Kể từ lúc đó, như mọi người kém tài và thiếu may mắn khác, tôi cũng gặp phải không biết bao nhiêu thăng trầm vấp ngã xảy đến trong đời, dù muốn hay không cũng buộc phải nếm trải gần đủ mọi thứ cảm giác sung sướng, đau khổ, ngọt bùi, cay đắng. Nhưng lúc nào cũng vậy, tôi luôn nhắc thầm trong đầu: “Cố gắng lên, vượt qua lúc này, mai mốt rồi sẽ ổn.” Tự nhủ hằng trăm lần như thế, ngay cả khi đang trong tận cùng đau khổ nhục nhã vì những lỗi lầm khó tha thứ. Có lúc tôi thấy hai từ mai mốt đó rất giống với cái câu: “Ngày mai ăn khỏi trả tiền” trong một câu chuyện ở sách tập đọc lớp ba mà tôi học hồi bé. Cái thứ ngày mai xa vời ấy dường như xa tít tắp không biết bao giờ mới đến. Tôi cảm thấy thất vọng với bản thân biết bao!

Nếu ai đã từng đơn độc và khốn khó cố làm hết sức để vươn tới mục tiêu đã định trong muôn vàn khó khăn và thiếu thốn sẽ hiểu được cảm giác này, nó giống như bơi ngược giữa dòng nước lũ để cố gắng đến được bến bờ bên kia, phải vứt bỏ hết mọi niềm vui nỗi buồn trước mắt, biết chấp nhận sống dưới mức cơ bản để cố tồn tại lúc này. Tất cả là dành cho cái thứ mai mốt chết tiệt đó mà vẫn cứ mãi chưa thấy đến. Nhưng tôi biết, chẳng có bữa cỗ nào được dọn sẵn nếu không chịu lăn vào bếp. Muốn thoát khỏi đói nghèo, muốn thực hiện điều mơ ước, kể cả muốn có được tình yêu, phải dốc sức làm việc. Chắc không cô gái nào muốn chịu khổ cực với một gã đàn ông bất tài mà lại còn lười biếng nữa…

Cuộc sống phát triển kéo theo sự đòi hỏi được thỏa mãn nhu cầu vật chất ngày càng cao, điều đó tạo áp lực công việc sao cho phải kiếm thật nhiều tiền lên mỗi con người. Dù có thế nào thì làm người luôn gắn liền với hai chữ làm việc. Hai từ làm việc nghe thì đơn giản nhưng lại bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa mà ít ai để ý.

Có ai sống mà không phải làm việc nhỉ? Nếu có được việc nhẹ lương cao thì tốt quá. Chắc cũng có người nghĩ thầm: “Phải chi có ai nuôi mình, được ăn ở không thì sướng biết mấy”. Nhìn ra ngoài xã hội, từ chị bán vé số, em bé ăn xin cho đến một ông chủ doanh nghiệp hay một quan chức nhà nước, ai cũng tất tả ngược xuôi, lao tâm khổ trí, chung quy cũng chỉ là việc kiếm tiền. Dù bằng cách nào, thì điều đó chưa bao giờ dễ dàng với người làm ăn đàng hoàng chân chính.

Còn những ai ăn ở không mà lại có nhiều tiền? Chuyện đùa thôi, chẳng ai cả !, trừ khi là kiều nữ lấy được đại gia hay phi công trẻ được máy bay bà già giàu có sẵn sàng cung phụng thì no cơm ấm cật là lẽ hiển nhiên. Nhưng mà mấy em ấy cũng vẫn phải mất sức lao động để làm cái việc cày cuốc hay bán trôn nuôi miệng đấy chứ! Hihihi…

Tại sao con người phải làm việc? Theo lẽ thường là để kiếm tiền xây dựng sự nghiệp, tậu nhà sắm xe, cưới vợ sinh con chứ gì nữa. Rồi khi đã có nhiều tiền thì còn phải nuôi cả vợ nhỏ bồ nhí, hưởng thụ cho hết cái khoái lạc của mùi đời. Lắm người khi có thật nhiều nhiều tiền, cũng còn chưa chịu ngưng nghỉ, vẫn cứ vơ vào khi còn có thể. Lúc này thì cái sự làm việc đã chuyển mục tiêu vào lòng tham không đáy. Đối với con người có khi nào là đủ đâu nhỉ?. Có ai đó nói rằng, ham mê tiền là chuyện thường tình, nhưng tham lam vật chất quá đáng thì coi chừng thành kẻ bất lương. Xã hội này đầy kẻ bất lương vì đã cố kiếm tiền bằng mọi giá.

Trời sinh mỗi người một hoàn cảnh xuất thân, một khả năng và sự may rủi khác hẳn nhau. Có người luôn gặp vận may, thuận buồm xuôi gió từ khi mới bắt đầu sự nghiệp, nhưng cũng rất nhiều kẻ vất vả cả đời vẫn không sao ngóc đầu lên nổi. Chắc cũng vì thế mà xã hội mới phân hóa giàu nghèo, có người thành đạt hay quyền cao chức trọng thì cũng có kẻ cùng đinh không đủ cơm ăn ngày hai bữa. Dù là kẻ nào, tôi nghĩ trong đầu họ cứ vẫn mơ tới…một ngày mai. Một ngày mai huy hoàng hơn nữa.

Nhưng trên đời đâu chỉ có những kẻ làm việc chỉ để….kiếm tiền. Đó là những người không giống số đông, họ làm việc vì một mục đích hay lý tưởng nào đó không liên quan nhiều đến việc hưởng thụ cuộc đời trần tục hay vun quén cho bản thân. Họ làm việc vì điều gì đó lớn lao, đến nỗi có khi bị người đời chế giễu là xa vời và mộng tưởng. Có thể kể đến các nhà văn, nhà nghiên cứu, những giáo viên vùng cao, các chiến sĩ bảo vệ biên cương hải đảo..v/v. Cũng có rất nhiều người khác không thể kiếm nhiều tiền, vì khi sinh ra thì đã là con nhà nghèo, năng lực hạn chế và không có đủ học vấn. Họ buộc phải làm một công việc bất kỳ trong tầng lớp thấp nhất của xã hội. Mục đích làm việc trước mắt của họ chỉ đơn giản là để tồn tại, nhưng dù muốn hay không thì họ vẫn toàn tâm toàn ý với công việc của mình. Đó là những người lương thiện.

Ai đã đi gần hết cuộc đời mới thấy đời người thật ngắn ngủi. Nếu phải chờ đợi đến một ngày mai nào đó, có khi sẽ không còn cơ hội nào trong 60-70 năm đang trôi qua nhanh chóng. Những người có một triết lý sống rõ ràng, biết trân trọng và tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm, thì dù chưa thể vượt qua nghèo khó cũng sẽ tìm thấy niềm vui mỗi ngày từ những thành quả do công việc nhỏ bé mang lại.

Có thể trong một giai đoạn nào đó, nhiều người buột phải chịu vất vả kiếm sống và không dám mơ đến ngày thay đổi số phận. Nhưng họ yêu quý công việc hiện tại và cũng mong mọi người ghi nhận công sức của mình. Tôi biết gia cảnh những người công nhân dọn vệ sinh đường phố rất khó khăn hay các thầy cô giáo tạm rời xa thành phố để gắn bó với trẻ em nghèo lam lũ ở vùng cao, tuy họ rất nghèo nhưng ai cũng biết rằng thành quả từ công việc nhọc nhằn của họ có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Đó là những tâm hồn trong trẻo, tự nguyện hy sinh trong thầm lặng.

Chấp nhận gian khổ để làm công việc mình muốn là một hành động can đảm của những người sống vì người khác. Sự giàu nghèo không đánh giá được nhân cách của một ai, chỉ có cách sống mới nói lên giá trị của một con người. Trên tất cả, tôi chắc rằng họ đã tìm thấy hạnh phúc và niềm vui trong khi thực hiện công việc của mình.

Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, ai cũng biết vật chất quyết định ý thức. Nhưng xin lạm bàn bằng trí hiểu nông cạn của mình, nó có thể đúng nhưng chưa đủ. Xã hội ngày nay càng phát triển, giáo dục đầy đủ mang lại ý nghĩa lớn lao cho việc xây dựng ý thức của một con người.

Ai cũng có cha mẹ, và ai cũng từng làm trẻ con. Cha mẹ có bổn phận phải dạy dỗ nuôi nấng con cái nên người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trẻ con thì phải được thương yêu dìu dắt từng bước chân trong cuộc đời mới đầy lạ lẫm của nó. Cứ hãy biết rằng, con nít không tự dưng biết đi, mọi thứ đều phải tập tễnh từng ngày. Đó là quy luật. Cha mẹ phải chuẩn bị hành trang cho chúng, để chúng tự tin và bản lĩnh khi đến tuổi trưởng thành.

Nếu Bạn đang còn là một đứa trẻ bị buột phải tự lăn lộn bươn chải với cuộc đời đầy sóng gió mà không có người lớn bên cạnh, điều đó cũng giống như điều khiển một chiếc xe tải để chạy trong phố mà chưa từng được học lái ngày nào. Mỗi một sai lầm sẽ có khi rất nghiêm trọng và không thể sửa chữa được.

Con người là một sinh vật thông minh đa dạng và rất khác nhau, có thể vẫn có những tài năng và sự nhận thức xuất chúng giúp họ thành công rất sớm, nhưng đa phần thì vẫn phải được giáo dục và thụ đắc kinh nghiệm cuộc sống xã hội để thành nhân theo cách bình thường nhất. Cuộc đời như một cái rỗ lớn sàng sảy rác rưỡi và bụi đất vô dụng, nếu bạn bị lọt qua cái rổ đó, nghĩa là coi như bạn xong đời. Bản lĩnh có thể giúp ta tồn tại, dù không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng vẫn có thể sống và lớn lên theo cách của mình.

Nhiều bậc cha mẹ nghèo, sinh con ra và không quan tâm đến việc giáo dục con cái. Họ chỉ cố gắng nuôi con. Chữ nuôi ở đây bao gồm cái việc cho ăn cơm ngày 2 bữa, mua quần áo cho mặc, tới tuổi thì cho đến trường. Mọi thứ còn lại thì theo lẽ tự nhiên. Chịu ăn thì no, biếng ăn thì đói, không muốn học thì dốt ráng chịu. Ý thức kém và cái nghèo có thể tạo nên một tầng lớp sống bên lề xã hội.

Những đứa trẻ thông minh và có ý thức tự lập sẽ biết đừng nên trông chờ vào những gì không thể có. Nó sớm hiểu rằng sẽ được tự do làm theo ý mình nếu bớt xin tiền cha mẹ, nếu biết tự thân vận động thì sẽ không ai cấm cản việc mình làm. Nhưng trẻ con thì vẫn cứ là trẻ con, khi đạt được một bước, thì sẽ thêm nhiều bước khác khó hơn xuất hiện, chúng làm sao biết hết cuộc sống nghiệt ngã đến đâu?

Đa số trẻ em đường phố phải tự lăn lộn kiếm sống từ rất sớm. Sự khắc nghiệt từ môi trường sống nhiều nguy hiểm cộng với bản năng sinh tồn sẽ hình thành tính cách hung hăng của một sinh vật hoang dã. Đó là hiểm họa thấy trước đe dọa trật tự xã hội trong tương lai không xa. Do đó giáo dục gia đình và trường học vẫn là cốt lõi để định hình nhân cách và bản lĩnh của một con người. Chắc chắn việc bỏ rơi trẻ con là một tội ác khó tha thứ. Điều đó góp phần tạo nên những con người sống ngoài vòng pháp luật xem việc cướp bóc, lừa gạt là một thứ công việc kiếm sống gây nên bất ổn cho xã hội.

 

Con người sống là phải làm việc. Một công việc lương thiện dù lớn dù nhỏ cũng tạo nên giá trị bản thân. Khi ta làm việc, nghĩa là ta đang sống, đang đóng góp cho xã hội. Nói nôm na, bạn làm việc nghĩa là bạn trở nên có ích cho cộng đồng, hay ít ra là cho một ai đó mà bạn thương yêu hay cưu mang họ.

Ngay như bản thân tôi đây, vẫn đang cố gắng làm việc từng ngày, để mỗi ngày trôi qua là một ngày có ý nghĩa, để mỗi khoảnh khắc của thời gian mất đi không lãng phí. Nếu một mai nhắm mắt lìa đời, tôi chắc sẽ mỉm cười vì biết mình không còn điều gì hối tiếc.

 

Comments

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT