ĐỂ TRỞ THÀNH DÂN SÀI GÒN CHÍNH HIỆU !

Các Bạn biết không? Sau năm 1975, dân số Sài Gòn chỉ có xấp xỉ 3 triệu người. Nhưng cho đến nay, theo cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính đến 0 giờ ngày 01/4/2019, TP. Hồ Chí Minh đã có 8,99 triệu dân. Trở thành TP đông dân nhất cả nước. Có những quận huyện dân số lên tới gần 800.000 người, đông gấp đôi và gần gấp ba một số tỉnh có dân số thấp. Thêm nữa, đó chỉ là con số trên dữ liệu thống kê, mà thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều, và cho đến năm 2020, dân số của TP Saigon có thể đã lên tới hơn 10 triệu dân đang sinh sống. Cũng cần lưu ý, có đến hơn 10 tỉnh trên cả nước mà dân số chỉ từ 300.000 đến 800.000 người, chưa bằng 1 quận của Saigon. Saigon cũng là TP duy nhất trong cả nước có đủ người dân trên tất cả các tỉnh thành và 53 dân tộc ít người đến sinh sống. Các con số nói trên chỉ ra cho chúng ta thấy làn sóng người nhập cư vẫn đang gia tăng từng ngày đổ xô vào đất Saigon để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp và mưu sinh.

Có hàng triệu người đến với Sài Gòn mỗi năm, nhưng có được bao nhiêu người thật tâm muốn trở thành dân Saigon chính hiệu? Tôi nói thật tâm ở đây ám chỉ đến những gia đình có ý định sinh sống lâu dài, có ý thức trách nhiệm cộng đồng với nơi ở mới. Nghe hỏi câu này, có Bạn sẽ hấp tấp nói ngay đó là tất cả những ai đã và đang đến sinh sống tại Sài Gòn chứ gì nữa? Nhưng không hẳn là vậy ! Khi hỏi như thế tôi không có ý định phân biệt địa phương hoặc khơi dậy vấn đề kỳ thị vùng miền. Chỉ là mong muốn nói lên một chút suy tư trăn trở về những điều đặc sắc tốt đẹp của một phong cách sống cần phải được duy trì và gìn giữ tại Thành phố lớn nhất cả nước này, trước khi nó hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực vì hệ quả của làn sóng nhập cư ồ ạt ngày nay mà chẳng ai buồn quan tâm hay nuối tiếc.

 

Trên thế giới, bất cứ quốc gia nào cũng đều có những thành phố lớn và nổi tiếng, không riêng gì cư dân ở đó hảnh diện về thành phố của mình, mà nơi ấy thường là niềm tự hào của cả đất nước. Người Pháp sẽ nói với Bạn về Paris của họ một cách hồ hởi, cũng như dân Mỹ sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhắc đến Newyork với Bạn. Có gì khó hiểu đâu, những nơi đó là biểu tượng văn hóa, văn minh và sự phồn vinh của quốc gia họ. Ngay tại Việt Nam, người Hà Nội vô cùng hãnh diện về sự thanh lịch của thủ đô. Có câu thơ: “Chẳng xinh cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để ám chỉ sự lịch lãm, tinh tế và tự tin của người Hà Nội gốc. Và dĩ nhiên những người con của đất Phương nam vô cùng tự hào về TP xinh đẹp mang tên Sài Gòn.

Tôi là người được sinh ra và lớn lên trên đất này. Dĩ nhiên từ cách đây hàng thế kỷ, ông bà tổ tiên của tôi cũng là di dân từ nhiều nơi khác đến. Nhưng ngày đó đã quá lâu đến nỗi các thế hệ cháu chắt như tôi, cũng không còn biết rõ. Cho nên tôi cũng như nhiều cư dân lâu đời khác ở TP. Hồ Chí Minh vẫn cứ quen gọi nơi đây là Sài Gòn, là quê hương thân yêu của dân Sài Gòn chính hiệu. Xin được tự xưng như thế một cách hãnh diện, chứ không phải với ý kỳ thị địa phương. Mong các Bạn lắng nghe và không vội vàng ném đá nhé. Hihi…

Saigon là một vùng đất Phương Nam có lịch sử không quá dài, là một thành phố non trẻ chỉ mới được hơn 300 năm tuổi. Đây là nơi quy tụ người dân khắp mọi miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp, sự giao thoa vùng miền cộng với ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ qua hai cuộc chiến tranh đã làm nên tính cách người Sài Gòn ngày nay. Điều này các nhà nghiên cứu về lịch sử - văn hóa đã nói nhiều, tôi xin không lặp lại nữa.

Để mọi người không phán xét lời tôi nói là “Mèo khen mèo dài đuôi”, xin được mượn lời nhận xét của một người Hà Nội gốc khi nói về Sài Gòn để khái quát. Xin trích nguyên văn một số đoạn như sau: ”Sài Gòn trong mắt tôi thật giản dị. Dù Saigon hào nhoáng hoa lệ, nhưng tôi lại yêu Saigon bởi những điều đơn giản, yêu sự chân tình và cởi mở của người Saigon.

Khác với Hà Nội, tôi có cảm giác Saigon rất năng động, không bị những lớp áo lễ nghi, gia đạo quàng lên người mình, nhập cuộc rất nhanh với xu hướng thời đại… Sự sòng phẳng, thẳng thắn trong các mối quan hệ là điều mà khi sống ở Sài Gòn tôi cảm nhận rất rõ và hài lòng về nó.

Giọng của người Sài Gòn rất đáng yêu, cái đó là chẳng thể chối cãi, Nghe cứ ngọt ngọt, tròn tròn, dễ thương. Cộng thêm tính cách có cái gì đó “chơi chơi”, và sôi nổi, phải công nhận là họ phóng khoáng và “dễ chịu” hơn người Hà Nội rất nhiều. Người Sài Gòn yêu nhau cũng lạ, không phô trương, cũng không thể hiện. Nó lạ đến mức tôi không biết dùng từ nào để diễn tả được cái sự lạ đó….Sống với người Sài Gòn, tôi cảm thấy dễ chịu. Họ hiền hòa, dễ thương, hòa đồng và không khách sáo, hình thức như người Hà Nội.”

Có thể những lời nhận xét trên đây còn phiến diện và thiếu sót, nhưng ít ra cũng nói lên được cảm nhận đầu tiên của một người không phải Sài Gòn khi nhận xét về dân Sài Gòn gốc. Vì thật ra, còn rất nhiều điều để liệt kê thêm nữa khi nói về tính cách người Sài gòn: đó là tính ngay thẳng lương thiện, sự ân cần hiếu khách, tinh thần nghĩa hiệp, phong cách nhẹ nhàng hào sảng, tôn trọng lễ nghi, tuân thủ luật pháp, và tấm lòng nhân ái. Những điều đó toát ra dễ dàng như một bản năng ăn sâu vào cách sống của dân Sài Gòn chính hiệu. Song song với đó là hình ảnh một Sài Gòn yên ả của hơn 15 năm trước.

Nhưng các Bạn ơi, Sài gòn hiện nay đang dần thay đổi đến chóng mặt, vì tốc độ đô thị hóa lộn xộn, vì làn sống nhập cư ào ạt, và cả vì khả năng và trình độ quản lý còn quá hạn chế so với quy mô của một siêu thành phố hơn 10 triệu dân. Sự thay đổi này mang dáng dấp của một cuộc nông thôn hóa thành thị trong lối sống gấp gáp xô bồ và sự thiếu thích nghi khi di chuyển cuộc sống từ nông thôn đến một đô thị lớn của hàng triệu người nhập cư trong cả nước. Có vẻ như tất cả đều bận rộn lao vào cuộc mưu sinh kiếm tiền mà không để ý tới các nguyên tắc cộng đồng cần phải thực hiện.

Nếu Bạn từ một nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp tại đây, dù chỉ là tạm thời cho cuộc mưu sinh, hay quyết định nhập tịch Sài Gòn vĩnh viễn, không ai phán xét hay phản đối khi Bạn vẫn mang theo và cố giữ những nề nếp văn hóa từ quê xa. Nhưng có những quy tắc và khuôn khổ do luật pháp quy định ở nơi đến mà Bạn bắt buộc phải tuân thủ. Thật là tốt, nếu bạn quyết định trở thành một thị dân Sài Gòn thể hiện trong cách sống và ngay cả thói quen nào cần phải thay đổi cho phù hợp. Cái gì cũng cần phải học hỏi, không ai biết hết những quy tắc chưa trãi qua, với tinh thần cầu thị ai cũng có thể hòa nhập tốt vào lối sống thị dân, học những điều ai cũng cũng làm được mà không cần phải là người giàu có.

Thật ra không riêng gì tại TP Sài Gòn, dù sinh sống tại bất kỳ TP nào, Bạn cũng cần phải tuân theo các quy tắc đô thị, các nguyên tắc cộng đồng để không gian sống ngày càng trở nên trật tự, văn minh để cho xã hội ngày càng tốt đẹp và quy củ hơn.

Hiện nay, với số lượng nhân khẩu đông đảo vượt quá sức chứa của một TP được quy hoạch cho vài ba triệu người của 100 năm trước, các công trình, đường xá tại Saigon chưa được xây dựng mới đủ để đáp ứng cho 10 triệu dân, ngoại trừ các khu mới mở rộng về phía đông trông cũng chẳng đẹp đẽ gì lắm mà lại dường như không dành cho đa số dân nghèo. Sài Gòn đã trở nên nổi tiếng không phải vì hiện đại và văn minh hơn trước, mà trở thành biểu tượng của kẹt xe, ngập nước, rác thải, cướp giật và sự lộn xộn trong văn hóa ứng xử giao tiếp mà nay đã trở thành thứ đặc sản không mong muốn.

Với hiện trạng như thế, Saigon lại càng cần sự góp sức về ý thức văn minh từ mỗi người đang sinh sống tại đây. Cái nghèo chỉ làm ta thiếu thốn vật chất tạm thời, chứ chưa bao giờ là nguyên nhân chính đáng để vin vào đó biện hộ cho các hành vi và ứng xử vô ý thức nơi công cộng.

Nhìn giao thông, có thể biết ý thức văn minh của người dân nơi đó. Giao thông Sài Gòn quá hỗn loạn và mất trật tự, nó là nỗi khiếp đảm cho bất kỳ ai mới đến đây, và là nỗi bức xúc ám ảnh cho ngay chính người Sài Gòn biết tuân thủ luật lệ. Nhiều người vẫn giữ thói quen nẹt ga, bóp còi inh ỏi thúc xe chạy phía trước, vô tư vượt đèn đỏ, quẹo cắt mặt người khác là một ví dụ. Đội ngũ xe ôm công nghệ người ngoại tỉnh vào hành nghề trong TP cũng là nỗi bực bội trên đường phố, họ lưu thông bất chấp luật lệ và sự an toàn của bao nhiêu người khác, họ quên rằng đường xá đô thị không phải là đường làng nông thôn để có thể phóng xe băng ngang hoặc chạy ngược chiều một cách tùy tiện. Các tài xế xe Bus từ các tỉnh lân cận khi lưu thông vào TP thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu và chèn ép xe máy trong làn dành riêng cho xe 2 bánh, họ bị xem là hung thần xe bus vì gây nên nhiều tai nạn thương tâm và tạo nên mối ác cảm không nhỏ với người đi đường. Còn rất nhiều nữa mà tôi từng đề cập trong bài viết: “Tính tùy tiện của người Việt khi tham gia giao thông”.

Xả rác bừa bãi cũng là nét văn hóa xấu xí của đại đa số người dân, kể cả giới trẻ trí thức đã được ăn học tử tế, vậy là có trí thức chưa chắc đã có ý thức. Ngay sau khi hò hét khản giọng để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam, là một biển rác thải ngập tràn phố đi bộ, và sau đó diễn ra một cuộc đi bão và đua xe náo loạn trên đường phố. Thật đáng buồn, đáng chê trách. Bạn thử nhìn qua các nước công nghiệp giàu có, họ sở hữu đội tuyển mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần, nhưng fan bóng đá của họ không có lối ứng xử vô lý, ồn ào mất trật tự và quá khích như người Việt.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội bắt đầu lên án phản ứng với hiện tượng hát hò bằng loa Karaoke kẹo kéo. Xin nói thẳng, loại hình văn nghệ ngoài trời này chỉ diễn ra ở khu lao động, quán nhậu và khu dân cư. Rác thải âm thanh này hành hạ cuộc sống của toàn bộ cư dân ở gần đó, sự thiếu hiểu biết và vô ý thức này xâm phạm thô bạo vào quyền học tập, làm việc và nghỉ ngơi của người khác trong khi họ rất cần sự yên tĩnh.

Có một điều đáng buồn nhất, ngày nay ngay cả rất nhiều người Saigon chính hiệu cũng bị ảnh hưởng phong cách sinh hoạt tùy tiện và vô nguyên tắc không hề thua kém. Họ nghĩ rằng nếu nhường nhịn lúc lái xe trên đường ùn tắc thì khi nào mới đến nơi, nếu kiên nhẫn xếp hàng thì khi nào mới tới lượt mình? Họ cũng nhiễm thói quen tiện tay quăng rác bừa bãi trên đường phố. Con người ngày càng trở nên nóng nãy, thiếu kiềm chế và điềm tĩnh để chấp hành luật lệ nơi công cộng. Học cái hay mới khó, chứ nhiễm cái xấu thì rất dễ dàng. 

Ngày xưa dân Saigon tại chỗ không có thói quen phân biệt dân quê, dân tỉnh, lại càng không có khái niệm về người nhập cư. Họ quen với nếp sống trật tự, êm ả và thanh lịch của một hòn ngọc viễn đông mà bây giờ đã trở thành quá khứ. Nhưng ngày nay, không thể chối cãi rằng hiện tượng nhập cư quá mức mà thiếu giải pháp quản lý đô thị hiệu quả chính là nguyên nhân đẻ ra các tệ nạn xã hội và sự hỗn độn cho một TP Saigon đã quá tải tới mức đáng báo động.

Nếu các Bạn muốn trở thành dân Saigon chính hiệu, chỉ cần Bạn nghĩ rằng Bạn đã là dân Sài Gòn khi đến sinh sống ở đây, dù chỉ là tạm thời hay lâu dài cũng được. Hãy góp một chút công sức để truyền bá cách sống văn minh, một chút ý thức để thực hiện các quy tắc ứng xử, và cả một quá trình làm quen với con người và lịch sử của Thành phố này, để có thể tự hào về nơi mình đang sống, làm việc và học tập. Để có thể yêu quê hương mới, và đường hoàng tự nhận mình là dân Sài Gòn. Bạn nhé !

Comments

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT