TÍNH ĐUA ĐÒI THÍCH THỂ HIỆN CỦA NGƯỜI VIỆT
Chào các Bạn, mấy hôm nay ngồi nhà theo lệnh cách ly toàn xã hội của
chính phủ chống dịch SARS COV 2, ở không cũng buồn. Để cho đỡ buồn, hôm
nay chúng ta nói chuyện về một vấn đề ai cũng thấy, cũng biết nhưng ngại
nói. Vì nói ra sẽ đụng chạm tự ái của nhiều người. Nhưng thật ra, trên
đời này có gì cấm kỵ đâu nếu chúng ta biết tự sửa mình cho xã hội ngày
càng tiến bộ và tốt đẹp hơn.
Khi đứng trước kết quả những nghiên cứu về xu hướng tiêu
dùng của người Việt, các chuyên gia kinh tế và xã hội của các nước rất kinh ngạc
khi thấy một đất nước nghèo đang phát triển như Việt Nam lại có chỉ số tiêu
dùng đồ hiệu cao chót vót, vượt qua cả các quốc gia phát triển. Hiện nay trên
thế giới có gì, thì Việt Nam có thứ đó. Chỉ lo không có tiền thôi. Quần áo Gucci,
Versace, túi xách Hermès, giày hiệu, đồng hồ Rolex, điện thoại Vertu và siêu xe
Lamborghini làm nên đẳng cấp người giàu có sành điệu.
Bạn tin không? Một người công nhân viên chức bình thường vẫn
có thể dám đổi cho mình một chiếc Iphone 11 Pro có giá trị gấp 3 - 4 lần thu nhập
hàng tháng của họ. Bỏ qua các nhận định về mặt kinh tế, chúng ta thấy gì về ý
nghĩa xã hội của xu hướng tiêu dùng này? Rõ ràng nó nói lên tính đua đòi, ưa
hào nhoáng, thích thể hiện bản thân của đa số người Việt trên nhiều mặt, nhất
là ở giới trẻ. Mà đây là lớp người chiếm số đông trong xã hội.Ở lứa tuổi thanh
thiếu niên, ăn chưa no lo chưa tới, họ là Fan của các sao ca nhạc, điện ảnh,
danh hài, người mẫu nổi tiếng. Họ muốn được ăn mặc trang bị giống thần tượng của
mình. Họ nghĩ sự sành điệu làm nên đẳng cấp. (Haizzz, thật là ngây thơ và não
phẳng?). Phải chi họ là các RichKid (Cậu ấm cô chiêu con nhà giàu) thì không
nói làm gì. Tại sao lại có cái thời mà năng lực trí tuệ và học vấn lại chìm
nghĩm và rẻ rúng như thời này vậy?
Với người lớn tuổi hơn, họ nghĩ hình thức hào nhoáng rất cần
thiết để tạo lòng tin với người đối diện trong các giao tiếp xã hội và giao dịch
thương mại v.v…Khi Bạn cần nói chuyện làm ăn. Bạn chải chuốt đồ hiệu sang trọng
đến gặp đối tác trên chiếc xế 4 bánh thanh lịch, Bạn đã chinh phục phần lớn
lòng kính nể của họ. Bao nhiêu vụ án lừa tình lừa tiền, mất sạch lòng tin vì
người ta thường mờ mắt trước hình thức hào nhoáng giả tạo. (Có khi từ quần áo,
xe cộ….toàn là đồ đi thuê hết cả đấy. Thế mà vẫn có nhiều người mắc bẫy như thường.)
Đã qua rồi cái quan niệm ưa chuộng “ngon bổ rẻ”, quý trọng bản
chất tốt đẹp. Có nhiều người tin rằng giá trị hình thức bên ngoài nói lên đẳng
cấp của người sử dụng nó. Cũng phải thôi, một chú em sinh viên chưa kiếm ra tiền
cũng khiến cho các em gái mưa mắt tròn mắt dẹt khi thấy anh trai đi xe xịn, mặc
đồ hiệu, nhá nhá trên tay cái iphone đời mới cáu cạnh. Chứ đâu hề biết anh ấy
đang chịu khó chịu khổ nai lưng trả góp để trang bị vũ khí mà đi cua gái nhỉ? Vậy
mới chết.
Thật ra cái sự ưa thích thể hiện nó còn bộc lộ ở nhiều hình
thức khác, có khi thô thiển và gây nguy hiểm hơn nhiều. Cái thói hống hách, ưa quát nạt cũng là sự biểu
hiện quyền lực với người yếu thế hơn mình, nhằm mục đích trấn áp, hay chỉ đơn
thuần là khoe mẽ trong giới trọc phú giàu xổi, hay quan tham ô lại. Thời nào
cũng vậy, kiểu thể hiện sức mạnh này là tiền đề đưa tới hiện tượng cửa quyền và
hối lộ cùng những tiêu cực tệ hại khác.
Tính đua đòi, thích thể hiện, trọng hình thức này bắt đâu từ
khi nào? Thật ra nguồn gốc của nó đã có từ lâu đời, từ cái thời phong kiến xa
xưa lắm. Việt Nam là một nước có nền văn minh lúa nước, dựa trên kinh tế nông
nghiệp nghèo nàn lạc hậu. Trong xã hội thuần nông ấy có đến hơn 80% là nông dân
tay lấm chân bùn, ông bá hộ giàu có hay một lão lý trưởng trong làng đều có thể
hống hách, quát nạt dân đen. Nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn như Nam
Cao, Vũ Trọng Phụng… phản ánh về tầng lớp trên của xã hội thời kỳ này. Người
nghèo thời nào cũng thế, họ luôn sợ sệt lo lắng và bất an trong cuộc sống, họ dễ
dàng bị cường quyền quy phục. Với tâm lý tự ti bản thân nghèo hèn thấp kém cố hữu
khiến họ dễ bị chinh phục trước kẻ có hình thức hào nhoáng và có địa vị.
Sau chiến tranh chống Mỹ, chế độ Saigon sụp đổ, đất nước thống
nhất. Lúc đó vì bị cấm vận, Vietnam của chúng ta rất khó khăn. Mọi thứ đều phải
tự cung tự cấp, chế độ phân phối bằng tem phiếu kéo dài hàng chục năm. Hàng hóa
tiêu dùng thực sự đắt đỏ và khan hiếm. Nhưng dù vậy, dân Saigon khi ấy rất ngạc
nhiên khi thấy hình ảnh một số người miền Bắc nhập cư đi xe đạp Phượng Hoàng (một
thương hiệu xe đạp từ Thượng Hải- Trung Quốc), tay đeo đồng hồ Poljot của Liên
xô, bên hông lủng lẵng cái đài thu thanh bán dẫn chạy Pin. Họ muốn thể hiện
mình là người có điều kiện. Haizzz, nghĩ lại sao thấy thương cuộc sống nghèo
khó khổ cực khi ấy quá.
Đầu những năm 2000, Điện thoại di động mới thâm nhập vào
Vietnam, đa phần là từ những gia đình có thân nhân ở Mỹ gửi về. Mọi người sẽ
tròn mắt ngưỡng mộ khi tận mắt thấy ai đó cẩm trên tay chiếc phone Ericsson to
đùng với cọng ăng ten lú ra như một cái máy bộ đàm thời nay. Vào năm 2003 khi
Nokia tràn vào Vietnam ồ ạt, lâu lâu mình chứng kiến có người đứng ngoài đường
với chiếc Camphone Nokia 6600 miệng thì à lô à lố líu lo với bộ dạng vênh váo
theo kiểu đang cho thế giới biết mình là ai đấy, không phải dạng vừa đâu nhé.
Trông anh ấy thật là hãnh diện gì đâu á. Cũng may thời đó cướp giật đường phố
chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Mình nhớ Model 6600 này được PR hoành
tráng trong bộ phim Cellular năm 2004 có cô đào Kim Basinger một thời tui thần
tượng đóng chung với 2 nam tài tử Chris Evans và Jason Statham. Và tui cũng có
1 con dế y chang vậy vì coi phim này. Hihihi
Cho đến năm nay 2020 thì việc sắm Phone chỉ còn là chuyện nhỏ.
Các công ty điện thoại đua nhau bán trả góp 0%, và từ cậu sinh viên chưa có thu
nhập, đến các anh chị công nhân lương 5-7 triệu, ai cũng có thể sắm cho mình một
chiếc phone thời thượng dằn túi, để nâng tầm sành điệu. (Dù nhiều lúc hết tiền,
ăn mì gói thấy bà nội)
Giờ đây cuộc sống đầy đủ hơn xưa, số người giàu mới có tiền
gia tăng nhanh chóng. Theo trào lưu trả góp, người ta đua nhau sắm ô tô chạy
GRAB hoặc nâng cấp hình ảnh bản thân cho công cuộc giao dịch làm ăn. Cũng chưa
phải thật sự giàu, nhưng cái tính thích thể hiện là động cơ thúc đẩy làm liều.
Nhiều người vụng tính, đã phải bán đổ bán tháo cắt lỗ sau một thời gian ngắn vì
không sao góp nổi số tiền lớn hàng tháng.
Việc quy hoạch xây dựng hạ tầng khắp nơi diễn ra ồ ạt, kéo
theo chuyện giải tỏa đền bù đất đai. Nông dân không còn đất sản xuất, lấy tiền đền
bù ra xây nhà sắm xe, lao vào hưởng thụ cuộc sống vật chất chưa từng biết mà
không nghĩ nhiều đến chuyện đầu tư cho tương lai mai mốt. Phải cho mọi người
kính nể chứ bây !
Người Việt mình có một thói không giống ai trên cái cõi đời
này. Nghèo thì thôi, nhưng khi có chút của ăn của để trong tay thì bắt đầu thay
đổi tính nết, phải cho chúng nó thấy miệng nhà sang có gang có thép, tự cho
mình với lý lẽ nhà giàu là chân lý. Nếu anh đang làm phó thường dân thì bộ dạng
luôn nhũn như con chi chi, nhưng khi có chút quyền hành trong tay thì bỗng ăn
to nói lớn, hùng hổ quát nạt cho bọn nghèo nó hãi.
Cái ảo tưởng sức mạnh đó làm lu mờ lý trí, khiến cho con người
trở nên lú lẫn, không thể phân biệt phải trái và có lối hành xử hồ đồ không thể
chấp nhận. Cái tôi của người thích thể hiện lớn đến nỗi khiến họ trở nên lố bịch
và dễ trở thành trò cười cho miệng lưỡi thế gian. Điều đó các Bạn cũng chứng kiến
nhiều rồi đấy.
Ngày nay, căn bệnh đua đòi thích thể hiện trở nên trầm kha
hơn hẳn, nó ăn sâu bén rễ vào lối sống của gần như tất cả chúng ta. Không chỉ
người giàu hoặc có quyền thế mới biết phô trương, hợm hĩnh. Mà ngay cả người
bình thường cũng học đòi thể hiện theo vô số kiểu cách kỳ cục khác nhau. Họ rất muốn chứng tỏ cho cả thế gian thấy họ bố
đời thiên hạ, say sưa chém gió ăn tục nói khoác và thậm chí truyền bá cả những
điều trời ơi đâu đó chưa ai kiểm chứng một cách văng mạng trên không gian ảo,
ra cái điều ta là người biết tuốt, bất chấp hậu quả. Đôi khi chỉ vì một chút
chưa hài lòng ngoài đời, họ thể hiện cái tôi quá hớp của họ một cách thiếu suy
nghĩ tới độ ngông cuồng. Thể loại này bị báo đăng hoài, và ăn hàng tấn gạch đá
vì thói hợm mình ngốc nghếch nhưng mãi mà vẫn chưa thấy hiện tượng này giảm bớt
bao nhiêu. Trong khuôn khổ câu chuyện này thật không sao kể ra cho hết.
Tui xin gọi họ là các bậc vĩ nhân chưa gặp thời đáng kính
nhé. Thưa các ngài, đất nước ta còn nghèo lắm ạ. Thực tế, chúng ta chỉ mới có biết
xài, chứ chưa thực sự sáng tạo ra cái gì mới mẻ cho nhân loại hết á. Nên thực
chất ở ta chưa có gì đáng tự hào rằng mình trên cơ thiên hạ về mặt kiến thức hết.
Thêm nữa, nếu tự khoe giàu khoe sang khoe hiểu biết thì làm ơn nhìn rộng ra đi,
ta chỉ như con ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung thôi à. Hãy tự làm một
công dân tốt, luôn tự trau dồi bản thân, biết tuân thủ luật pháp thì đã là một
người hướng thiện có hiểu biết rồi đấy ạ.
Theo thiển ý cá nhân tôi, ai chê lạc hậu dốt nát cũng xin chấp nhận. Bản thân tui chỉ kính nể người có tài năng thực chất. Có lòng nhân từ, tâm hồn trong sáng lương thiện, trí tuệ lỗi lạc sáng suốt, tâm tính điềm đạm. Nói tóm lại, ai cũng nên là người biết trời cao biển rộng, có nhân cách, luôn biết khiêm tốn nhân hậu. Biết làm như thế, mặc nhiên đã tự nâng tầm của mình lên trong mắt của người khác rồi đó.
Theo thiển ý cá nhân tôi, ai chê lạc hậu dốt nát cũng xin chấp nhận. Bản thân tui chỉ kính nể người có tài năng thực chất. Có lòng nhân từ, tâm hồn trong sáng lương thiện, trí tuệ lỗi lạc sáng suốt, tâm tính điềm đạm. Nói tóm lại, ai cũng nên là người biết trời cao biển rộng, có nhân cách, luôn biết khiêm tốn nhân hậu. Biết làm như thế, mặc nhiên đã tự nâng tầm của mình lên trong mắt của người khác rồi đó.
Comments
Post a Comment
CAFE SAIGON cảm ơn bình luận của Bạn.